Đề xuất huy động ‘tiền nhàn rỗi’ của dân, lý tưởng hay ảo tưởng?
Cát
Linh, phóng viên RFA
2016-07-13
2016-07-13
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Nhân viên Vietcombank
đang kiểm tiền. Ảnh chụp ở Hà Nội ngày 19 Tháng Mười Hai năm 2011.
00:00/00:00
Trong cuộc họp hội thảo về Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển
cơ sở hạ tầng TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), ông Trần Du Lịch, phó đoàn đại biểu
Quốc hội TP. HCM đưa ra mong muốn về việc TP. HCM có được một cơ chế đặc thù để
vận dụng đúng vai trò “đầu tàu của cả nước”.
Theo đó, ông đưa ra con số mà Thành phố cần có để đầu tư cơ sở hạ tầng
cho đến năm 2020 là 500.000 tỷ đồng và 10 năm tiếp theo sẽ cần đến một triệu
tỷ. Nhưng ông cũng cho biết là hiện nay, nguồn vốn đầu tư của thành phố rất khó
khăn và gặp nhiều hạn chế. Nhiều đại biểu quốc hội đưa ra đề xuất huy động tiền
nhàn rỗi của dân để xây dựng TP. Hồ Chí Minh vì lý do nguồn vốn đầu tư hiện nay
của chính phủ rất khó khăn.
Đề xuất này có phải là một biện pháp khả thi và được lòng tin của
người dân hay không?
Không
nên vượt quá thực tế
Điều này được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng viện kinh
tế Trung ương từ Hà Nội cho biết, ông đồng ý với nhận định Thành phố Hồ Chí Minh
là nền kinh tế đầu tàu của cả nước, là nơi tạo ra tỷ trọng tổng sản lượng quốc
nội GDP trong cả nước. Để làm đúng vai trò này thì TP. Hồ Chí Minh cần phải
nâng cấp kết cấu hạ tầng, cần phát triển mạnh công nghệ thông tin và cần nâng
cao nguồn nhân lực. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng của TP. Hồ Chí
Minh là cần thiết.
Hiện bây giờ nợ công của Việt Nam, trong đó có nợ của bản thân
chính quyền Sài Gòn đã ở mức báo động.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tuy nhiên, ông đề nghị cần phải xem xét kỹ về số tiền cần thiết do
các đại biểu Quốc hội đưa ra:
“Tuy
vậy hiện nay ngân sách của nhà nước cũng như ngân sách của TP. HCM chưa đáp ứng
nhu cầu đó. Cho nên cần những phương án huy động thêm vốn trong và ngoài nước
để nhanh chóng nâng cấp kết cấu cơ sở hạ tầng của TP. HCM.
Tuy vậy số vốn
500.000 ngàn tỷ được thực hiện trong 10 năm cần phải được phân tích kỹ hơn và
xem tiến độ thực hiện như thế nào. Nếu chúng ta làm vội vã không tính toán cái
hiệu quả và không xem xét năng lực thực hiện thì rất có thể ý tưởng tốt đẹp lại
trở thành một dự án thiếu hiệu quả, có nhiều công trình dở dang, tăng thêm nợ
nần, và không đem lại hiệu quả cần thiết.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội, cựu
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên
cứu phát triển IDS, từ Hà Nội e ngại rằng có những mong muốn “vượt quá tầm
tay”, tuy mong muốn cải thiện là một điều tốt.
“Nhiều
khi mong muốn điều tốt mà quá sức thì nó sẽ dẫn đến những điều vô cùng tồi tệ.
Ví dụ những người Cộng sản ban đầu người ta cũng mong muốn những điều rất lý
tưởng, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh… Nhưng vì đấy là ảo tưởng và họ
kiên quyết đi theo con đường ấy thì dẫn đến cái thảm hoạ. Con đường dẫn đến địa
ngục nhiều khi được lát bằng những viên kim cương.”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho rằng mong muốn của phó
đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM là xuất phát từ “cái tâm tốt”, thế nhưng có thể
dẫn đến những tai họa.
“Vì
việc phát triển thành phố Sài Gòn là một chuyện đúng là chuyện của toàn bộ nhân
dân cả nước kể cả của những người Sài Gòn nữa, nhưng không thể vượt quá thực
tế. Hiện bây giờ nợ công của Việt Nam, trong đó có nợ của bản thân chính quyền
Sài Gòn đã ở mức báo động.”
Theo một số liệu của Bộ Tài chính công bố về tình hình nợ công của
Việt Nam ngày càng tăng cao từ giai đoạn từ 2010 đến 2014. Trong bản báo cáo
kinh tế vĩ mô quí I năm 2016 của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho
thấy nghĩa vụ trả nợ công năm 2015 của chính phủ lên tới 418.400 tỷ đồng, chiếm
tỷ lệ 29,9% ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh trong một lần trả lời
truyền thông trong nước cho biết nợ công trong mấy năm gần đây tăng nhanh, chính
phủ Việt Nam phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì đến cuối
năm 2016, nợ công chắc chắn sẽ vượt trần.
Một nhân viên tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội ngày 13
tháng 11 năm 2006. AFP PHOTO
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, để tránh nợ công vượt trần thì Việt
Nam cần phải kiểm soát thật chặt nguồn vốn vay, trong đó quan trọng nhất là bố
trí nguồn vốn khác thay vì phải đi vay.
Ý kiến này trùng khớp với đề xuất của PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo,
Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng cần dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển
thành phố, và chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn như sau:
"Thành
phố phải huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua việc phát hành
trái phiếu chính quyền địa phương. Muốn người dân lựa chọn loại trái phiếu này
thì thành phố phải tạo dựng được niềm tin khi phát hành.”
Cần
phải xem xét
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết ông ủng hộ và đồng ý với việc huy
động lực lượng của toàn dân để xây dựng nền kinh tế như có các chính sách để khuyến
khích người dân đầu tư để người dân tham gia vào việc tạo công ăn việc làm, xây
dựng các doanh nghiệp, đó là phương án đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cần
phải xem xét rất thận trọng.
“Vì
cho đến nay các doanh nghiệp nhà nước đầu tư đều đem lại các hiệu quả rất thấp
và chi phí rất cao. Tôi đề nghị nên xem xét lại và khuynh hướng nên tạo ra một
cơ chế công khai minh bạch, tạo ra các dự án đấu thầu 1 cách công khai và huy
động lực lượng của doanh nghiệp để khu vực tư nhân được tham gia bình đẳng,
trên cơ sở cạnh tranh và có hiệu quả chứ không nên huy động tiền của dân vào
trong tay doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước đầu tư mà không có
hiệu quả. Từ đó lại tăng thêm nợ nần và ý tưởng tốt đẹp là nhanh chóng cải
thiện cơ cấu hạ tầng của TP. HCM chưa chắc thực hiện được.”
Chính vì thế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết ông rất thận trọng
với ý tưởng huy động vốn trong nhân dân để cho các doanh nghiệp nhà nước và cơ
quan nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, ông đề nghị nên xây dựng các phương án và
đưa ra toàn dân thảo luận, các nhà khoa học đóng góp ý kiến rồi huy động vốn
trên cơ sở công khai minh bạch.
Dưới cách nhìn của một nhà hoạt động dân sự và là một nhà kinh tế,
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết nhà nước phải có những chính sách để phát triển
tốt nhất tài sản quốc gia, mà theo đánh giá của ông, 90% là tiền của người dân.
Bây giờ nói đến chuyện có lòng tin để mua trái phiếu, tôi nghĩ
ngoại trừ tiền đó dư, không biết dùng gì hết thì cũng chỉ có người điên khùng
mới đi mua thôi.
- Một người dân ở Phan Rang
“Khi
nó phát huy thật tốt, nhà nước có thể thu được thuế. Nếu nhà nước có dự án gì
mà người dân thấy hay, thì không loại trừ trường hợp người dân mua trái phiếu 1
dự án cụ thể nào đó của chính phủ. Đó hoàn toàn là quyết định của người dân chứ
không phải là quyết định của những ông ngồi phía trên.”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, quan trọng nhất chính phủ cần
tạo ra những cách thức để người dân sử dụng tiền của chính mình làm giàu cho chính
mình và sau đó làm giàu cho đất nước.
Không
tin tưởng
Đề xuất huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua việc phát
hành trái phiếu chính quyền địa phương do PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đưa ra
được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM lo ngại khi nhắc
đến câu chuyện mấy chục năm trước cũng là mua trái phiếu.
Nhắc đến câu chuyện đầu tư “bất đắc dĩ” này, một người dân hiện
đang sinh sống ở Phan Rang, người từng phải thực hiện việc mua công trái những
năm 80 cho biết:
“Làm
sao mà tạo niềm tin khi mà tôi nhớ thời kỳ 1979-1980, thời gian đó nhà nước
cũng đưa ra và bắt buộc người dân phải mua trái phiếu. Lúc đó tôi còn nhớ người
dân ai cũng nghèo đói, thời bao cấp nhưng bắt buộc mỗi gia đình phải mua trái
phiếu. Rồi theo thời gian đồng tiền mất giá trị, chẳng ai đem trái phiếu đó ra
để đổi lấy tiền về hết. Bây giờ nói đến chuyện có lòng tin để mua trái phiếu,
tôi nghĩ ngoại trừ tiền đó dư, không biết dùng gì hết thì cũng chỉ có người
điên khùng mới đi mua thôi.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tuy có cái nhìn tích cực hơn trong đề xuất
mua trái phiếu khi tin rằng có thể người dân sẽ hưởng ứng ở mức độ nhất định,
tuy nhiên vẫn quan điểm cẩn trọng như đã trình bày, ông cho rằng cần phải công
khai minh bạch để toàn dân và các nhà khoa học đóng góp ý kiến.
Cho dù ở vai trò nào, một Tiến sĩ, một nhà hoạt động xã hội, hay
một người dân bình thường, những chia sẻ của họ với chúng tôi đều cho thấy những
mong muốn cải thiện đáng kể cho xã hội.
Tuy nhiên, bằng phương án nào để hiện
thực hoá lý tưởng ấy thì chính phủ vẫn cần phải chứng minh qua những hành động
rõ ràng và minh bạch hơn. Nếu không, thì e rằng “một lần bất tín vạn lần bất
tin” sẽ ngăn cản những điều mà chính Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhìn nhận là “lý
tưởng tốt đẹp”.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment