Thương mại Trung Quốc
lãnh gáo nước lạnh
Tại cảng Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), 13/10/2016.STR
/ AFP
Công nghiệp tiên tiến bỏ Hoa lục rút về các nước phát triển. Các
nước đang phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh mãnh liệt hơn. Đó là hai vấn nạn
của guồng máy kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của hải quan và chuyên gia
quốc tế.
Ngoại thương Trung Quốc trong tháng 9 gây thất vọng cho Bắc Kinh.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày hôm nay, 13/10/2016, xuất
khẩu bị thụt lùi 10% trong một năm qua với 184,5 tỷ đô la trong khi nhập khẩu
giảm 1,9% với 142,5 tỷ.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 cũng giảm đến
30%, tuy thu về 42 tỷ đô la nhưng thua xa thành quả 60 tỷ cùng thời kỳ cách nay
một năm. Cụ thể xuất khẩu sang Mỹ giảm 7,8% và sang Liên Hiệp Châu Âu sụt 4,3%.
Theo AFP, kết quả này là một bất ngờ đối với Trung Quốc và các
chuyên gia tài chính quốc tế. Đa số các nhà phân tích cho rằng tệ lắm thì xuất
khẩu chỉ lùi độ 3,3% trong tháng 9 sau khi giảm 2,8% trong tháng 8. Nhập khẩu
cũng giảm đi đáng kể, không tới 1/3 so với mức dự báo.
Phát ngôn viên hải quan Trung Quốc Hoàng Tụng Bình nhìn nhận ngành
ngoại thương Trung Quốc có vấn đề. Trong cuộc họp báo hồi tháng 4, khi công bố
thành quả xuất nhập khẩu của ba tháng đầu năm 2016, viên chức này đã tỏ ra bi
quan cho kinh tế Hoa lục mà ông gọi là « đứng
trước nhiều biến chuyển phức tạp ». Trong quý một, xuất khẩu giảm
4%, nhập khẩu giảm 8,2% so với cùng thời kỳ năm 2015.
« Ngành mũi nhọn bỏ đi, đối thủ cạnh tranh ráo riết »
Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Tụng Bình lập lại nhận xét cũ :
Trao đổi thương mại của Trung Quốc « đang
đối đầu với những chướng ngại hiển nhiên ».
Trước các áp lực này, đồng tiền Trung Quốc bắt buộc phải hạ giá
với hai hệ quả : có thể trợ lực cho xuất khẩu nhưng cùng lúc tăng thêm gánh
nặng cho doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu và nguyên liệu, ông Hoàng Tụng Bình
thừa nhận.
Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics
cũng lo ngại : giảm nhập khẩu khoáng sản là tín hiệu « kinh
tế Trung Quốc mất sức ».
Lời cảnh báo của Ôn Gia Bảo
Theo giải thích của phát ngôn viên Hải Quan Trung Quốc, những khó
khăn trên phát xuất từ ba nguyên nhân : một là chính sách « bảo
hộ mậu dịch » của các nước giàu và hai là do các nước đang phát
triển cạnh tranh ác liệt với Trung Quốc. Cũng theo viên chức này thì ngành công
nghiệp « mũi nhọn » bỏ Trung
Quốc, hồi hương. Trong khi hàng hóa của các quốc gia đang lên, nhờ giá thành rẻ,
lấn áp hàng hóa Trung Quốc.
Mối đe dọa thứ ba là, cũng theo phát ngôn viên Hoàng Tụng Bình, các
thủ tục bảo hộ thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới chống hàng Trung Quốc
sẽ làm cho ngành ngoại thương của Trung Quốc bị thiệt hại.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ từ 6,6% trong năm nay
rơi xuống 6,2% trong năm 2017.
Thời thủ tướng Ôn Gia Bảo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phất
phới trên 10%. Tuy nhiên, ông cảnh cáo, nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống « dưới
8% thì Trung Quốc sẽ gặp loạn ».
BRICS : Dự án mậu dịch
tự do của Trung Quốc gây lo ngại
Trong kỳ nghỉ cuối tuần này 15 và 16/10/2016, Ấn Độ đón thượng
đỉnh thường niên của khối BRICS lần thứ 8. Từng được hy vọng sẽ là đầu tầu của
nền kinh tế thế giới, nhóm các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy giờ đây đang
phải đối mặt với rất nhiều bất đồng sâu sắc, đặc biệt giữa Trung Quốc với các
nước công nghiệp hóa yếu hơn. Dự án thành lập một khu vực mậu dịch tự do BRICS
của Trung Quốc rất ít được hưởng ứng.
Khối BRICS bao gồm năm nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam
Phi, chiếm 53% dân số toàn cầu, với tổng GDP khoảng 16.000 tỉ đô la, chiếm
khoảng 30% GDP toàn thế giới. BRIC thoạt tiên bao gồm bốn nước Nga-Trung-Ấn-Brazil
(Nam Phi gia nhập năm 2011), được lập ra năm 2009, có mục tiêu đối trọng về
kinh tế và chính trị với phương Tây. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của nhóm nước
này nhìn chung được đánh giá là không khả quan.
Nga trong hai năm trở lại đây đang rơi vào suy thoái mạnh, do bị
phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào Ukraina, và giá dầu sụt mạnh. Còn Brazil
vừa qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Trung Quốc –
đầu máy của kinh tế toàn cầu - đã giảm tốc xuống mức thấp nhất từ 25 năm, cho
dù vẫn còn ở mức 7%/năm. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh với 7,6% trong năm nay
nhưng khó khăn rất lớn của nước này là phải tạo thêm mỗi tháng một triệu việc
làm mới, do rất nhiều thanh niên mới bước vào độ tuổi lao động.
Theo hãng thông tấn AP, bốn quốc gia của khối BRICS - Ấn Độ, Nam
Phi, Nga và Brazil – đều lo ngại trước áp lực của Trung Quốc muốn các nước
trong khối mở rộng cửa thị trường, cho dù Bắc Kinh chưa chính thức đưa ra yêu
cầu này. Hồi tháng trước, một người phát ngôn của bộ Thương Mại Trung Quốc đưa
ra nhận định là việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và nhiều cản trở khác là rất quan
trọng cho sự hợp tác giữa năm nước.
Tham vọng của Bắc Kinh gây lo ngại rất lớn bởi các nước còn lại lo
sợ hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường, trong bối cảnh thâm hụt
thương mại với Trung Quốc đã rất lớn. Theo nhà ngoại giao Ấn Độ H.H.S.
Vishwanathan, cựu đại sứ tại Mỹ, nếu dự án này biến thành hiện thực, thì đây sẽ
là một « thất bại » đối với
BRICS.
Trả lời báo Ấn Độ The Hindu trước thềm thượng đỉnh, bộ trưởng
Thương Mại Nam Phi Rob Davies khẳng định việc áp dụng tức thời thỏa thuận tự do
thương mại BRICS Free Trade Agreement (FTA) sẽ khiến khối này bị phân thành hai
nhóm, nhóm các nước công nghiệp hóa mạnh hơn và các nước yếu hơn. Theo bộ
trưởng Nam Phi, quốc gia này và các nước châu Phi nói chung cho đến nay chủ yếu
xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm sơ chế. Nam Phi xuất khẩu nguyên liệu sang
Trung Quốc, và nhập về hàng tiêu dùng.
Nếu xu thế « mất cân bằng về cấu trúc »
này tiếp tục và được đẩy mạnh thì không giúp gì cho mục tiêu của Nam Phi được
tham gia vào « chuỗi giá trị » (hay dây
chuyền sản xuất toàn cầu) để có thể được hưởng các lợi ích của « Cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư » đang khởi sự.
Những kế hoạch trong tầm tay
Bộ trưởng Thương Mại Nam Phi nhấn mạnh là : « đừng
để bị mê hoặc bởi một hiệp định thương mại quá tham vọng », hãy đi
theo hướng khuyến khích « các thỏa thuận hợp tác (trong từng
lĩnh vực) và thúc đẩy tiếp xúc giữa các doanh nghiệp », bởi một
hiệp ước lớn chỉ phục vụ cho lợi ích của một số thế lực, nhưng không mang lại
sự phát triển rộng rãi.
Theo AP, ngoài một dự án lớn của toàn khối rất khó có cơ hội thực
thi, các thành viên sử dụng thượng đỉnh BRICS tại Goa, để bàn về một số vấn đề gần
gũi hơn, như kế hoạch xây dựng một cơ quan thẩm định tài chính của khối, nhằm
đối trọng với các cơ quan thẩm định tài chính hiện có, bị coi là thiên vị các
nền kinh tế phương Tây. Nhóm cũng có kế hoạch thành lập một cơ quan tư vấn để
hậu thuẫn cho các đối thoại quốc tế về tài chính. Một số mục tiêu nằm trong tầm
tay khác như việc giảm nhẹ các quy định về visa đối với các chủ doanh nghiệp và
khuyến khích các đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực các dự án cơ sở
hạ tầng.
Ông Samir Saran, phó chủ tịch của cơ quan tư vấn Oberver Researche
Foundation, có trụ sở tại New Delhi, cũng là thành viên của Hội Đồng Tư Vấn
BRICS, hy vọng « thông cáo chung của thượng đỉnh sẽ
thể hiện được mong muốn của 5 quốc gia… tăng cường thương mại trong khối ».
Theo một số nhà quan sát, thành công đáng kể nhất cho đến nay của
BRICS là cho ra đời được Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB), để đối trọng với Ngân Hàng
Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ngân hàng NDB, có trụ sở tại Thượng Hải, đã
thông qua loạt tín dụng đầu tiên, với tổng trị giá khoảng 900 triệu đô la, cho
các dự án năng lượng tái tạo tại năm quốc gia thành viên.
Khó đồng thuận về các hồ sơ gai góc
Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, BRICS cũng sẽ bàn thảo về
một số vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Nga sẽ được mời trình bày về vấn đề Syria,
trong lúc lập trường của Nga đang bị cộng đồng quốc tế lên án do chiến dịch
không kích tại Aleppo.
Theo AP, sự khác biệt rất lớn giữa «
các nước độc tài » – Nga và Trung Quốc và « các
nước dân chủ » - Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, khiến khối BRICS rất khó
đạt đồng thuận trong các hồ sơ gai góc như « chiến
tranh Syria hay Biển Đông ». Các hội kiến song phương bên lề thượng
đỉnh về hàng loạt các vấn đề chính trị và kinh tế chắc chắn sẽ mang ý nghĩa
thực chất hơn đối với các thành viên BRICS.
Ám ảnh Pakistan
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có các hội kiến quan trọng với
tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng biên giới tại
vùng Cachemire với Pakistan - đồng minh của Trung Quốc. Theo báo chí Ấn Độ, vấn
đề Pakistan sẽ ám ảnh thượng đỉnh BRICS lần thứ tám.
Báo Ấn Độ The Tribune hôm qua,
12/10, cho biết trong những ngày gần đây, một phái đoàn nghị sĩ Pakistan trong
chuyến công du Mỹ đã quảng bá ý tưởng thành lập một nhóm nước Nam Á mở rộng bao
gồm cả Trung Quốc và Iran. Islamabad đã nỗ lực thúc đẩy ý tưởng này kể từ
thượng đỉnh lần trước của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á South Asian
Association for Regional Cooperation (SAARC) lần thứ 18, tổ chức tại Nepal năm
2014. Thượng đỉnh tới của khối dự kiến diễn ra vào tháng tới tại Pakistan,
nhưng đã bị hoãn lại, sau khi Ấn Độ quyết định tẩy chay, vì vụ khủng bố nhắm
vào căn cứ quân sự Ấn Độ ở Uri (Cachemire) hồi tháng 9, khiến 17 quân nhân
thiệt mạng.
Ủng hộ Ấn Độ, nhiều thành viên khác của khối SAARC cũng tuyên bố
sẽ không tham dự thượng đỉnh tại Pakistan. New Delhi coi đây là một thắng lợi ngoại
giao, cho thấy Islamabad ngày càng bị cô lập.
Việc Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc để ngăn không cho đưa Masood Azar, thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammed,
vào danh sách « khủng bố quốc tế » mới
đây (theo đề nghị của New Delhi) chắc chắn sẽ đè nặng lên quan hệ song phương
Ấn - Trung. Nhóm Jaish-e-Mohammed - hoạt động mạnh tại vùng Cachemire - bị Liên
Hiệp Quốc và nhiều nước đưa vào danh sách khủng bố.
Thượng đỉnh song song BIMSTEC
Song song với thượng đỉnh BRICS, một thượng đỉnh khác của nhóm
BIMSTEC của các quốc gia ven vịnh Bengal cũng được tổ chức tại Goa. Nhóm
BIMSTEC (Bay of Bengal Initiative for Multi-Sectoral Technical and Economic Cooperation)
gồm 7 nước là Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Bangadhes, Sri Lanka, Butan và Nepal.
Theo phó chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn BRICS, Samir Saran, với việc tổ
chức thượng đỉnh BIMSTEC cùng vào thời điểm này, Ấn Độ tiếp tục chính sách
Hướng Đông và khẳng định như là « một
cây cầu bình an » nối kết BRICS với các quốc gia trong khu vực, bất
chấp ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc (và đe dọa khủng bố từ Pakistan).
Cũng trong dịp thượng đỉnh BRICS này, ba thành viên dân chủ - Ấn
Độ, Brazil, Nam Phi – tìm cách siết chặt hợp tác qua Diễn Đàn Đối Thoại IBSA,
được thành lập từ năm 2003. IBSA được coi là cơ chế gắn bó nhất trong số các cơ
chế hợp tác giữa các thành viên BRICS.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment