On Wednesday, August 26, 2015 10:08 AM, Elvis Nguyen Tran <> wrote:
Sự thật về tượng đài
Hồ Chí Minh ở Cuba
Tue, 11/11/2014 - 13:15 —
hoangngoctuan
HOÀNG NGỌC-TUẤNTuần trước, trong bài “Sự thật sau những bức
tượng Hồ Chí Minh ở nước ngoài”, tôi đã vạch trần chuyện Đảng Cộng Sản Việt Nam
vác tượng Hồ Chí Minh đến tặng cho quận Cerro Navia (một cái quận nghèo đói,
dốt nát nhất ở Chile), rồi sử dụng báo chí và truyền hình ở Việt Nam để rêu rao
rằng “Chile tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đó
là “tình cảm thành kính của lãnh đạo và nhân dân Chile nói chung và của
quận Cerro Navia nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam”!
Trong thời gian gần đây, tác giả Hoàng Ngọc Diêu cũng đã viết 4
bài vạch trần những chuyện lừa bịp thảm hại đàng sau những bức tượng Hồ Chí
Minh ở Moscow (Nga), ở thành phố Montreuil (Pháp), ở Singapore và ở xã Newhaven
(Anh). [Xem chi tiết trong phần “Đọc thêm” ở cuối bài này]
Hôm nay, khi xem bài báo “Hình ảnh về Bác ở khắp nơi trên
thế giới” đăng trên website Việt Nam Hồ Chí Minh, tôi thấy có
một chi tiết khá hấp dẫn:“Tượng đài Hồ Chí Minh bằng đồng do kiến trúc
sư Joel Diaz, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba Việt Nam thiết kế khánh thành vào
năm 2003. Được xây dựng nổi bật giữa Công viên Acapulco cạnh Đại lộ 26, một
trong những công viên đẹp nhất ở trung tâm Thủ đô Lahabana (nhân dịp này được
đổi thành Công viên Hòa Bình).” Bài báo còn cho rằng cái tượng
đài này “thể hiện niềm kính trọng, biết ơn của nhân dân Cuba đối với
Hồ Chí Minh.”
tennguoidepnhat.net/2012/01/29/hinh-ảnh-về-bac-ở-khắp-nơi-tren-thế-giới/
Vừa đọc bấy nhiêu chữ ấy, tôi đã cảm thấy mấy điều khôi hài:
1/ “Tượng đài Hồ Chí Minh bằng đồng do kiến trúc
sư Joel Diaz, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba Việt Nam thiết
kế”. Đây là một thông tin khập khiễng và mơ hồ. Đọc qua, chắc
hẳn độc giả tưởng rằng ông kiến trúc sư Joel Diaz là tác giả của toàn thể cái
tượng đài này! Sự thật không phải vậy, ông không nặn ra bức tượng, mà chỉ
“thiết kế” cái cái bệ, cái sân và cái giàn sắt ở trên.
Ông Joel Diaz đã “thiết kế” như thế nào? Nhiều tấm hình chụp
tượng đài này trên internet cho thấy tượng đài này là một các bục bằng đá đơn
sơ, trên bục có đặt một bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh bằng đồng; cả bục và
tượng được đặt lên một khoảng sân xi-măng nhỏ, phía trên có một giàn 4 cây sắt
sơn đỏ chụm lại như hình kim tự tháp.
[photo: Alcione en La Habana]
Thế thì bức tượng Hồ Chí Minh ấy do điêu khắc gia nào nặn ra?
Một điêu khắc gia lừng lẫy của Cuba chăng? Hay lại chỉ là một bức tượng “cây
nhà lá vườn” do các cán bộ Việt Nam vác sang tặng cho Cuba (cũng như họ đã tặng
bức tượng Hồ Chí Minh cho quận Cerro Navia nghèo đói, dốt nát nhất ở Chile)?
2/ Cái tượng đài này “thể hiện niềm kính trọng, biết ơn của nhân dân Cubađối
với Hồ Chí Minh.” Thật vậy sao? Tôi đã thử tìm tất cả những
thông tin của Cuba về chuyện này, thì chẳng hề thấy họ nói rằng nhân dân Cuba
dựng cái tượng đài ấy để “thể hiện niềm kính trọng, biết ơn đối với Hồ
Chí Minh” gì ráo. Hay Đảng Cộng Sản Việt Nam lại nhét chữ vào
mồm dân Cuba, cũng giống như họ đã nhét chữ vào mồm của dân Chile?
Bây giờ ta hãy thong thả giải mã những điều đáng thắc mắc ấy.
AI ĐÃ NẶN BỨC TƯỢNG BÁN THÂN CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG
CÔNG VIÊN ACAPULCO?
Thì “ai trồng khoai đất này”! Cách đây 12 năm, Thông Tấn Xã
Việt Nam đã đưa tin:
Đặt tượng Hồ Chí Minh tại La Havana
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba lần này, Thủ tướng
Phan Văn Khải có mang theo một bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh để
đặt tại Vườn hoa Trung tâm quận Nuevo Vedado ở thủ đô La Havana theo như thoả
thuận trước đó với phía bạn.
Bức tượng này được đúc theo mẫu tượng của họa sĩ Trần Văn Lắm
đang đặt tại phòng khánh tiết của Phủ Chủ tịch.
Một bức tượng của Hose Marti - lãnh tụ cách mạng của nhân dânCuba -
cũng sẽ được đặt tại thủ đô Hà Nội.
(VnExpress, Thứ tư, 23/10/2002, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dat-tuong-ho-chi-minh-tai-la-havana-2037239.html)
Vậy thì hiển nhiên rằng bức tượng này không phải do một điêu
khắc gia nào của Cuba nặn ra cả. Chính ông Phan Văn Khải, vào tháng 10 năm
2002, đã vác một bức tượng bán thân của Hồ Chí Minh sang Cuba (nhưng là bản
copy chứ không phải là bản nguyên tác của họa sĩ Trần Văn Lắm) để đặt tại Vườn
hoa Trung tâm quận Nuevo Vedado, “theo như thoả thuận trước đó với phía bạn”, nghĩa
là “phía bạn” cũng vác một bức tượng chân dung José Marti sang đặt tại Hà Nội!
Đọc thêm báo chí của Cuba, thì thấy ông Phan Văn Khải không chỉ
vác bức tượng Hồ Chí Minh qua Cuba, mà còn cho tuỳ tùng vác theo “500
cái computers và 100 cái printers để tặng cho chính phủ Cuba như một cử chỉ
biết ơn về sự hỗ trợ của Cuba đối vi miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống
Mỹ những năm 60 và 70.” [El país del sudeste asiático también
donó 500 computadoras personales y 100 impresoras al gobierno cubano, como un
gesto de gratitud por el apoyo que Cuba dio a Vietnam del Norte durante su
guerra con Estados Unidos en las décadas de 1960 y 1970.]
Để trả ơn cho “phía bạn” một cách cụ thể hơn, ông Phan Văn Khải
còn ký một hợp đồng hứa hẹn “xuất khẩu 150 ngàn tấn gạo sang Cuba vào
năm 2003 theo kiểu cho vay dài hạn không lấy lãi.” [Vietnam
firmó un acuerdo para exportar 150 mil toneladas de arroz a Cuba en el 2003,
con financiamiento a largo plazo y sin intereses.] (Theo báo La Prensa,
30/10/2002)
Nói tóm lại, việc đặt tượng Hồ Chí Minh ở Vườn hoa Trung tâm
quận Nuevo Vedado (tức là Công Viên Acapulco) không phải là do ý nguyện của
nhân dân Cuba muốn “thể hiện niềm kính trọng, biết ơn đối với Hồ Chí Minh”, mà
do một sự thoả thuận trao đổi giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản
Cuba. Hơn thế nữa, ông Phan Văn Khải còn tặng thêm 500 cái computers và 100 cái
printers như một cử chỉ biết ơn đối với Cuba. Thế mà
những cái loa ở Việt Nam lại nói ngược rằng nhân dân Cuba dựng tượng đài ấy vì
muốn “thể hiện niềm kính trọng, biết ơn đối với Hồ Chí Minh”!
NHÂN DÂN CUBA NGHĨ GÌ VỀ TƯỢNG ĐÀI HỒ CHÍ
MINH?
Tháng 10 năm 2002, ông Phan Văn Khải vác tượng Hồ Chí Minh sang
Cuba“theo như thoả thuận trước đó với phía bạn”, rồi tặng
thêm quà cáp các thứ, thì ngày 19/05/2003 tượng đài Hồ Chí Minh được khánh
thành tại Công Viên Acapulco. Trong buổi lễ khánh thành, không có mặt của Fidel
Castro hay bất cứ một quan chức quan trọng nào trong nội các của chính phủ
Cuba, mà phía Cuba chỉ có ông Raul Valdés Vivó (Hiệu trưởng Trường Đảng cao cấp
Nico López), và phía Việt Nam có ông Đại sứ Việt Nam Phạm Tiến Tư. Cũng hôm đó,
Công Viên Acapulco bị đổi tên thành "Công Viên Tự Do" [Parque de la
Libertad], nhưng báo chí ở Việt Nam ghi sai thành "Công Viên Hoà
Bình". (Theo Việt Báo, 20/05/2003)
Ngày 18/05/2007, "Công Viên Tự Do" lại bị đổi tên
thành “Công Viên Hồ Chí Minh”, và ngày 19/05/2007, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật
thứ 117 của Hồ Chí Minh, một lễ đặt vòng hoa đã diễn ra tại “Công Viên Hồ Chí
Minh” với sự tham dự của ông Joel Diaz, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba Việt
Nam, và các cán bộ của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Cuba. (Theo Vietmaz,
20/05/2007)
Trong cả hai sự kiện này, phía Cuba không hề có lời phát biểu
nào nói rằng nhân dân Cuba “biết ơn đối với Hồ Chí Minh” cả.
Truy tầm thông tin của Cuba về tượng đài Hồ Chí Minh, tôi chỉ
thấy rằng dân địa phương ở quận Nuevo Vedado (nơi có “Công Viên Hồ Chí Minh”)
chẳng ưa gì cái tượng đài này cả. Trước hết, họ bất bình về việc nhà cầm quyền
Cuba đã đổi tên Công Viên Acapulco thành "Công Viên Tự Do", rồi thành
"Công Viên Hồ Chí Minh", mà không hề tham khảo ý kiến của người dân.
Trong bài “Los nombres originales” [Những cái tên nguyên thuỷ] trên
blog Mermelada ngày 07/07/2011, nhà văn Fernando Dámaso
viết:
“Những người cầm quyền của chúng ta có cái thói quen kỳ quái là
ưa đổi tên của những đường sá, những công viên, những cửa hàng, những doanh
nghiệp và thậm chỉ cả một số địa điểm công cộng, tuỳ theo những lợi lộc chính
trị ngắn hạn của họ...
Gần đây, một cuộc tụ tập trong Công Viên Acapulco ở thị trấn
Nuevo Vedado khiến tôi lưu ý; trong một góc công viên, họ đã
dựng lên một cái tượng đài thiếu óc tưởng tượng và hoàn toàn không đếm xỉa gì
đến thiết kế chung của công viên — tượng đài Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo Việt
Nam.Té ra họ đã đổi tên công viên thành Công Viên Hồ Chí Minh (khi tượng đài
này được khánh thành, thì công viên này đã bị đặt tên là Công Viên Tự Do).
Trong cái buổi lễ, mà họ vẫn lặp lại y hệt mỗi lần có người Việt Nam quan trọng
nào đó đến thăm, thì khách tham dự chỉ có những học sinh từ một trường trung
học gần đó, mặc đồng phục đầy đủ, những sinh viên Việt Nam đang du học ở Cuba và
một vài viên chức đặc trách. Một cuộc tụ tập mang màu sắc chính trị mà người đi
ngang qua đó sẽ chẳng hiểu là để làm gì, vì nó chẳng dính dáng gì đến họ hay
địa phương này. Tôi không biết là người Việt Nam có nhận ra điều này hay không.
Hiển nhiên là giới cầm quyền của thành phố này và đất nước này
có cái quyền đặt tên cho các đại lộ, các đường phố, các công viên, v.v… nhưng,
hãy làm ơn xây dựng những cái mới chứ đừng đổi tên những cái đã có sẵn; xây cái
mới thì dễ dàng hơn và ít tổn thất hơn là sửa những cái đã có sẵn, những cái
mang tính lịch sử. Đối với tôi và những người láng giềng sống tại Nuevo Vedado, thì
Công Viên Acapulco đã là, đang là và mãi mãi sẽ là Công Viên Acapulco…
Những cái tên này cũng là một phần của bản sắc dân tộc mà chúng
ta vẫn đề cao. Những cái tên này tạo nên cái di sản của các địa phương, các khu
vực và các thành phố. Đổi những cái tên này, chỉ để thoả mãn những thủ đoạn
chính trị ngắn hạn, thì chứng tỏ rằng giới cầm quyền không tôn trọng công dân
(họ là những người không hề được nhà cầm quyền tham khảo ý kiến, nhưng chính họ
là những chủ nhân thực sự của cái di sản này, vì họ sống ngay trong khu vực
này) và đồng thời chứng tỏ rằng giới cầm quyền thiếu văn hoá và lễ độ...”
Ngày 23/04/2013, trong bài “De Ho Chi Minh a los ‘espías
atómicos’” [Từ Hồ Chí Minh đến các “gián điệp nguyên tử”] trên báo Diario
de Cuba, nhà văn Fernando Dámaso viết:
“Mỗi lần tôi đi bộ, và tôi rất thường đi bộ, đến Công Viên
Acapulco, Đại lộ 29, Havana, thì tôi lại bị sốc khi thấy cái đài tưởng niệm Hồ
Chí Minh, được đặt trên một nền xi-măng ở góc đường 37. Không phải là tôi thấy phản cảm
với cái rẻo đất nhắc đến nhà lãnh đạo Việt Nam, bởi vì ngay ở đây cũng có rất
nhiều khoảnh đất dành cho những nhân vật mà hầu hết chẳng ai biết, gồm cả nhóm
người được gọi là các “gián điệp nguyên tử” đã bị bắt và xử tử tại Mỹ trong
cuộc Chiến Tranh Lạnh, nhưng tôi thấy phản cảm vì cái tượng
bán thân bóng loáng dưới cái giàn sắt hình kim tự tháp thì chẳng ăn nhập gì với
sự thiết kế của công viên, chẳng ăn nhập gì với cái môi trường chung quanh, mà
lại càng hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với cái quận Nuevo Vedado này. Tệ hơn nữa,
tôi chẳng hiểu có cái liên hệ gì giữa cái kim tự tháp với cái quốc gia ở châu Á
đó, vì những cái kim tự tháp thì chủ yếu thuộc về những nền văn minh ở Ai-cập,
Mễ-tây-cơ và vùng Trung Mỹ.
Được xây chớp nhoáng trong một thời gian kỷ lục bởi
một nhóm dân công — nhằm mua vui cho một ông lãnh đạo Việt Nam sang thăm Cuba —
cái lối thiết kế và địa điểm đặt tượng bán thân của đồng chí Minh [camarada Minh] là
để đáp ứng cho một quyết định chính trị hết sức phù phiếm, bất chấp ý kiến của
các chuyên gia thiết kế đô thị hay ý kiến của cư dân địa phương, nếu họ được
hỏi ý kiến, mà hiển nhiên là họ chẳng hề được hỏi ý kiến...
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa là các viên chức cầm quyền
của chúng ta bị nghiện những trò xây bia vinh danh và dựng đài tưởng niệm kiểu
bạ đâu làm đó, miễn là có chút lợi lộc.” [No existen dudas de que nuestras
autoridades son adictas a estos homenajes y monumentos ad hoc, siempre y cuando
reporten algún tipo de ganancias.]
KẾT LUẬN:
Đảng Cộng Sản đã ra sức đánh bóng tên tuổi Hồ Chí Minh để lừa mị
lòng tin của người dân Việt Nam bằng đủ trò dối trá. Họ liên tục vác những bức
tượng Hồ Chí Minh ra nước ngoài tặng cho những địa phương nghèo đói và dốt nát
(như quận Cerro Navia ở Chile, chẳng hạn), hay vác những bức tượng Hồ Chí Minh
ra nước ngoài để chơi trò trao đổi chính trị và mua chuộc bằng kinh tế đối với
những nước nghèo đói (như Cuba, chẳng hạn), rồi họ về nước chỉ thị cho hệ thống
truyền thông Việt Nam tung ra hàng loạt tin láo khoét rằng“nhân
dân” của nước nọ, nước kia trên thế giới đã tự ý dựng tượng
đài Hồ Chí Minh để bày tỏ sự “thành kính và biết ơn đối với Bác Hồ”. Kỳ
thực, chẳng có “nhân dân” nước nào mà “thành kính và biết ơn đối với Bác Hồ”
cả. Thậm chí ở Cuba, một trong vài nước Cộng Sản còn sót lại trên thế giới, thì
nhân dân ở đó chẳng những không cần biết Hồ Chí Minh là ai, mà còn bất bình
rằng nhà cầm quyền Cuba đã vì những lợi lộc nhỏ nhặt cấp thời mà chấp nhận đặt
bức tượng Hồ Chí Minh một cách thiếu thẩm mỹ và vô lối trên đất nước của họ,
tại địa phương của họ, chẳng hề tham khảo ý kiến của nhân dân.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, 11/2014)
--------------
Đọc thêm:
4 bài viết của Hoàng Ngọc Diêu gồm có:
“Sự thật sau những bức tượng” (Bức tượng Hồ Chí Minh ở Moscow,
Nga)https://www.facebook.com/notes/849006915121617
“Sự thật sau những bức tượng” (Bức tượng Hồ Chí Minh ở thành phố
Montreuil, Pháp) https://www.facebook.com/notes/849136128442029
“Sự thật sau những bức tượng” (Bức tượng Hồ Chí Minh ở
Singapore)https://www.facebook.com/notes/850170145005294
“Sự thật sau những bức tượng” (Bức tượng Hồ Chí Minh ở xã
Newhaven, nước Anh) https://www.facebook.com/notes/850719368283705
- hoangngoctuan's
blog
- Add
new comment
No comments:
Post a Comment