Không biết
không bầu
Chu Hảo
Những lần bầu cử Quốc hội trước đây tôi thật sự thờ ơ, có lý do để
vắng mặt hoặc nhờ người bỏ giùm, như một sự thường tình đối với một bộ phận
không nhỏ tầng lớp xã hội được coi là “trí thức”. Chỉ vì thấy nó hình thức, vô
tích sự; chứ chưa có ý thức rõ rệt về Dân chủ, Quyền con người và Quyền công
dân như vài chục năm gần đây.
Bạn bè bảo thế là thuộc loại “ngu lâu”. Đành vậy!
Thế hệ chúng tôi ở Miền Bắc được nhào nặn y hệt như các thế hệ Xô Viết mà bà
Svetlana Alexievich (Giải Nobel Văn học 2016) mô tả một cách hết sức sâu sắc,
sinh động và khách quan trong tác phẩm văn học phi hư cấu tựa đề “Sự kết thúc của con người đỏ – Thời
thứ phẩm”. Thế thì còn mong gì hơn?
Nhưng lần này tôi sẽ thực hiện quyền bầu cử một cách nghiêm chỉnh,
dẫu biết rằng thời kỳ “Con người đỏ” ở nước ta chưa đến hồi kết thúc, mà những
sản phẩm của “Thời thứ phẩm” thì đã có sẵn rồi. Đó là một “Giai cấp mới” mà cựu Phó Tổng
thống Liên bang XHCN Nam Tư Milovan Djilas, đặt tên cho tầng lớp quan chức và
nhân viên công quyền, vô tình hay cố ý đồng lõa với Nhà nước, cướp bóc đồng bào
mình qua việc chi tiêu vô tội vạ tiền đóng thuế của dân.
Đó là một chính quyền tha hóa, bị các nhóm lợi
ích bất chính chi phối, vô trách nhiệm và vô cảm trước nỗi thống khổ của nhân
dân. Đó là cả một hệ thống chính trị lấy bạo lực và dối trá làm phương châm
hành động để thực hiện các chính sách ngu dân, bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt
tư tưởng và đàn áp dã man bất kể ai bị coi là bất đồng chính kiến.
Tôi sẽ đi bầu cử dẫu ngày càng thấy rõ Hiến pháp 2013 chứa đựng
nhiều điều phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ, như đã được vạch ra trong
Kiến Nghị của 72 nhân sĩ trí
thức, và nhất là trong bốn bài báo – công trình nghiên cứu công phu, mang tính
học thuật cao của Giáo sư Hoàng Xuân Phú. Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi
thiệt; Hiến pháp vi hiến; Bắt mạch Hiến… nháp và Não lòng với Hiến pháp.
Tôi sẽ đi bỏ phiếu một cách nghiêm chỉnh dẫu biết rằng Luật bầu cử
hiện hành là một bộ luật vi hiến, như phân tích cũng của Giáo sư Hoàng Xuân Phú
trong bài “Bầu cử kiểu gì khi tệ từ Luật”.
Tôi vẫn đi bầu cử dù đau lòng và phẫn nộ chứng kiến hành vi “ngồi
xổm” trên Hiến pháp và Luật bầu cử, xảy ra trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội
đương nhiệm và trong quá trình “hiệp thương” lựa chọn ứng viên Đại biểu Quốc
hội khóa tới.
Thể chế chính trị này phải được thay đổi tận gốc rễ, đó là xu thế
thời đại, là đòi hỏi cấp thiết của dân tộc.
Nhưng thay đổi triệt để bằng một
cuộc cách mạng bạo lực là điều chúng tôi không mong muốn, vì không muốn để cho
đất nước này lại lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, máu chảy đầu rơi. Một thể chế
được dựng lên bằng “nòng súng” tất sẽ có một “nòng súng” to hơn phục sẵn phía
trước.
Thay vì nôn nóng bạo lực, thiết nghĩ lại phải đứng lên theo lời
hiệu triệu thống thiết của Phan Châu Trinh cách nay hơn một thế kỷ: “Khai dân
trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”. Dân trí phải đủ cao để hướng Dân khí vào
mục tiêu cách mạng phi bạo lực. Ở đây Dân trí trước hết là sự giác ngộ về quyền
Con người, quyền Công dân, trong đó có quyền bầu cử các đại biểu của mình trong
Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Thay vì tẩy chay, lần này tôi chọn thái độ tham gia nghiêm túc với
ý thức cùng toàn dân sử dụng lá phiếu chính đáng của mình với phương châm:
CHỈ BẦU CHO NHỮNG NGƯỜI MÀ MÌNH BIẾT RÕ PHẨM CÁCH VÀ NĂNG LỰC.
KHÔNG BIẾT THÌ KHÔNG BẦU!
Những thông tin về các ứng viên mà các tổ chức phụ trách bầu cử
công bố là quá sơ sài và thiếu chính xác khiến tôi không thể tin cậy. Đơn giản
vậy thôi! Để làm gì? Để lá phiếu của mỗi công dân ngày càng trở nên có giá trị
hơn trong việc lựa chọn những người xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo quốc gia
và lựa chọn thể chế.
Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2016
__._,_.___
No comments:
Post a Comment