xx

Saturday 11 March 2017

Tập Cận Bình và tự do mậu dịch giả hiệu


Tập Cận Bình và tự do mậu dịch giả hiệu

mediaKhu phố tài chính Phố Đông ở Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 09/03/2017.REUTERS/Aly Song
Trong bài bình luận mang tựa đề « Ông Tập Cận Bình, có đúng là ông nói ‘tự do mậu dịch’ hay không ? », nhật báo Les Echos nhận định, dù chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn Davos lớn tiếng kêu gọi tự do thương mại, nhưng nước ông vẫn tiếp tục đối xử tệ hại với các nhà đầu tư ngoại quốc. Và ông Tập cũng vừa tung ra một kế hoạch công nghiệp quy mô để chống lại hàng nhập khẩu.
Tác giả nhận xét, mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đến từ nước Mỹ của Donald Trump, mà còn từ Trung Quốc. Thay vì tiến đến tự do hóa kinh doanh, Tập Cận Bình lại củng cố dân tộc chủ nghĩa nhằm duy trì tăng trưởng. Những ngôn từ đẹp đẽ về tự do mậu dịch của ông Tập tại Diễn đàn Davos cho người ta cảm tưởng một thế giới đảo lộn – Trung Quốc dạy cho nước Mỹ một bài học. Nhưng thực tế không phải như thế.
Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc chỉ mở hé thị trường và tiếp tục thọc gậy bánh xe đối với các nhà đầu tư. Bắc Kinh lợi dụng điểm yếu của các đối tác, vốn đầy hy vọng về thị trường khổng lồ này. Đại hội Đảng lần thứ ba năm 2013 đã kêu gọi tự do hóa, thị trường phải đóng vai trò quyết định ; tuy nhiên Bắc Kinh cũng biết gieo rắc hỏa mù. Trong nội bộ đảng có những tranh luận gay gắt về chính sách kinh tế, nhưng không hề hé lộ cho những nhà quan sát nước ngoài. Hoàn toàn mù mờ, họ đành tiếp tục hy vọng.
Nâng cấp kỹ nghệ để chống nhập khẩu, thoát bẫy thu nhập trung bình
Nhưng trên thực tế, việc mở cửa vẫn chưa đầy đủ, bị kiểm soát, và không có tiến bộ nào so với kỳ vọng của phương Tây. Ngược lại, Sáng kiến China Manufacturing 2025 (CM 2025), một kế hoạch chiến lược được thai nghén từ lâu, cho thấy Bắc Kinh muốn tăng cường sức mạnh kỹ nghệ từ nay đến 2025 và sau đó đến 2049 – nhân kỷ niệm 100 năm Mao Trạch Đông giành chính quyền. Tài liệu này được Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc phân tích kỹ lưỡng, cần được coi là lời cảnh báo. Kế hoạch CM 2025 nhắm đến sự độc lập trong các lãnh vực tương lai.
Danh sách rất cụ thể : kỹ thuật số, robot, hàng không, thiết bị hàng hải, xe hơi điện, máy nông nghiệp, vật liệu mới, dược phẩm, thiết bị y tế hiện đại…Mục tiêu cũng thế : chẳng hạn về phụ tùng phải từ 40% thị phần tăng lên 70%, robot từ 50% lên 70%, máy cày hạng nặng 30% lên 60%, năng lượng tái tạo từ 0% lên 80%...Làm thế nào đạt được ? Bằng cách tăng cường mạnh mẽ các phương tiện nghiên cứu, hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, tư nhân và các trường đại học, một chiến dịch mua lại các công ty ngoại quốc có mục tiêu cụ thể, và xây dựng các doanh nghiệp hàng đầu.

Số tiền đầu tư vào kế hoạch này lên đến nhiều tỉ đô la, và theo tác giả, Bắc Kinh không có cách nào khác. Trung Quốc bị giam hãm trong « bẫy thu nhập trung bình ». Công nghiệp hạng thấp đã giúp Trung Quốc phát triển với mức độ đáng nể, nhưng tiền lương đang ở mức « trung bình » khiến Bắc Kinh bị lọt vào gọng kềm. Một bên là sự cạnh tranh của các nước có tiền lương thấp hơn, bên kia là các nước phát triển vẫn kiểm soát các lãnh vực tiên tiến của mình.
Hô hào tự do mậu dịch, nhưng chỉ nâng đỡ sản xuất trong nước
Để thoát khỏi chiếc bẫy này, có hai cách : hoặc mở cửa cho nước ngoài để chuyển sang một nền kinh tế dịch vụ, hoặc nhanh chóng nâng cấp kỹ nghệ. Vì đảng Cộng Sản Trung Quốc không hề có ý định nhường lại quyền lực, Trung Quốc chọn lựa phương án thứ hai – duy trì căn bản công nghiệp bằng robot, song song đó tìm một chỗ đứng trong kỹ thuật cao.

Chiến thuật này, theo Les Echos, không phải là không nguy hiểm. Trước hết là nguy cơ thất bại : không dễ gì đánh bại được Apple. Sau đó, việc chiếm lĩnh thị trường thế giới không đơn giản : tuy Alibaba vượt qua Amazon tại Trung Quốc, nhưng vươn ra thế giới khó hơn nhiều. Nhưng rủi ro lớn nhất là gây ra xu hướng bảo hộ tại phương Tây. Nếu Trung Quốc tự cho phép mình tìm cách thay thế nhập khẩu (qua China Manufacturing 25), thì khó thể tiếp tục cao giọng đòi tự do mậu dịch và tránh né khỏi bị trả đũa.
Sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 11, nhân đó 5/7 thành viên thường trực Bộ Chính trị sẽ được thay thế. Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, nhưng vấn đề là ông ta củng cố chủ nghĩa dân tộc ở mức nào. Các đối thủ của Tập Cận Bình cho rằng chính sách của ông trong đó có CM 25 sẽ khiến phương Tây giận dữ, đặc biệt là Donald Trump.

Phe nào sẽ thắng ? Chưa biết được, nhưng chủ nghĩa dân tộc có cơ tăng cường thay vì giảm sút. Trung Quốc chắc chắn không đứng về phía các nước chủ trương tự do hóa. Phòng Thương mại Châu Âu cảnh báo các nhà công nghiệp phương Tây nên thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc. Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên, cần phải nhìn nhận rằng, thời của chủ nghĩa tự do thương mại một cách hào hiệp rõ ràng đã chấm dứt.

Bắc Kinh mở cửa cho đế chế Trump
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro nhận định « Bắc Kinh mở cửa cho đế chế Trump », còn Le Monde mỉa mai « Bắc Kinh yêu thích thương hiệu Trump ».
Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho 38 thương hiệu Donald J.Trump được đăng ký, từ khách sạn, sân gôn, dịch vụ vệ sĩ, nhà hàng, spa cho tới bất động sản, bảo hiểm…Nhà tỉ phú có thể bảo vệ lợi ích của mình và gia đình, phát triển thương hiệu « Trump » tại thị trường khổng lồ Trung Quốc. Chẳng thấy loan báo gì trên Twitter. Donald Trump không thông báo tin vui này trên mạng xã hội, nhưng Trung Quốc lần này đã làm hài lòng tổng thống Mỹ, hay đúng hơn là tính cách doanh nhân đang tạm ngủ yên trong ông Trump.

Tân tổng thống Mỹ im lặng vì vẫn đang bị đe dọa bởi cáo buộc xung đột lợi ích. Quyết định của bộ Công Thương Trung Quốc chắc chắn là mang tính chính trị, vì trước đó phải được đảng Cộng Sản thông qua. Theo thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên ủy ban ngoại vụ, Bắc Kinh muốn thủ lợi qua việc « duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp với tổng thống Hoa Kỳ ».


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

My Blog List