Trung Quốc
đang thao túng ASEAN ?
Kỳ họp thượng đỉnh Asean-Trung Quốc năm 2010.REUTERS/Na Son
Nguyen/Pool
Ở Hà Nội, ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ không được đón tiếp nồng hậu
như là Obama ! Trung Quốc, quốc gia đã biết cách tập hợp xung quanh mình các nước
trong khối ASEAN trên lĩnh vực kinh tế, nhưng kể từ nay lại chia rẽ họ trên vấn
đề Biển Đông. Trên đây là những nhận định của ông Jean-Raphael Charponnière,
chủ tịch Trung Tâm Châu Á, tại Pháp trong bài viết đề tựa “Trung
Quốc tập hợp Và chia rẽ ASEAN”, đăng trên trang mạng Asialyst.com.
Về mặt dân số, mười nước thành viên của ASEAN chỉ bằng có một nửa
số dân của Trung Quốc (khoảng 600 triệu người). Tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN
chỉ bằng 1/5 GDP của Trung Quốc. Về sản xuất, Trung Quốc từ năm 2010 có nền
công nghiệp chế biến đứng đầu thế giới và mức sản xuất - tính theo giá trị gia
tăng - cao gấp 7 lần so với cả vùng Đông Nam Á.
Quan trọng hơn nữa, cách biệt về tổng mức đầu tư tư bản cố định
giữa các nước ĐNA với Trung Quốc càng bị đào sâu : từ 1-4 lần trong giai đoạn 2005-2009,
thì nay là từ 1-8 kể từ năm 2010. Cuối cùng Trung Quốc đầu tư trong nghiên cứu
và phát triển (R&D) nhiều hơn so với các nước ĐNA đến 10 lần.
Nỗi ám ảnh về “thuyết đô mi nô”
Ngược dòng lịch sử, ASEAN ra đời trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vào lúc bấy giờ, chính phủ các nước Đông Nam Á lo sợ là một sự thất bại của Hoa
Kỳ sẽ làm bùng phát dòng người Việt Nam và đồng minh Trung Quốc của họ đổ vào
toàn khu vực.
Một sự xâm lược mà theo cách gọi là “thuyết
đô mi nô” đã ám ảnh tâm trí mọi người. Đến mức theo một lời ví dí
dỏm lúc ấy, các vụ kẹt xe nổi tiếng ở Bankok có lẽ là cách phòng thủ tốt nhất
chống lại “bộ đội”, những người lính của quân đội Việt Nam. Mối đe dọa này đã buộc
lãnh đạo các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan quyết
định thành lập ASEAN vào tháng 7/1967.
Thế nhưng trái với những gì “thuyết
đô mi nô” thông báo, sự kiện Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975
đã không gây ra một cơn thủy triều nào. Mối đe dọa Trung Quốc cũng bị xóa nhòa
và các ưu tiên của ASEAN đã tiến triển từ hướng chính trị chuyển sang kinh tế. Đặt
ưu tiên cho việc hội nhập toàn vùng, các lãnh đạo đã đưa ra rất nhiều chương
trình, mà không ít trong số này đã thất bại.
Ví dụ điển hình là chương trình thúc đẩy “thỏa thuận ưu đãi thuế
quan” (accords commerciaux préférentiels). Mỗi quốc gia sẽ phải chuẩn bị một danh
mục các sản phẩm của các nước thành viên khác trong khối có thể được miễn thuế
nhập khẩu.
Ngập ngừng trước những biện pháp tự do hóa rụt rè đó, các nước
trong khối đã lách thỏa thuận này bằng cách dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho
những sản phẩm ít được trao đổi nhất ! Ví dụ, Indonesia – một đảo quốc nhiệt
đới, đã hủy mức thuế quan cho việc nhập khẩu mặt hàng « xe gạt tuyết » ! Chính
vì thế mà xuất nhập khẩu trong chương trình PTA này chỉ chiếm có 3% tổng trao
đổi thương mại của cả khối ASEAN.
Hợp nhất để cạnh tranh với Trung Quốc
Bất chấp các thất bại của nhiều dự án, lãnh đạo các nước trong
khối ASEAN đã ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch, Asean Free Trade Agreement (AFTA)
năm 1992. Một cam kết được giới quan sát tiếp nhận với một thái độ ngờ vực.
Nhưng ngoài sự mong đợi, ASEAN đã thực thi thỏa thuận. Một sự thành công mà
người ta có thể gián tiếp cho rằng đó là nhờ vào Trung Quốc.
Tại sao vậy ? Trên thực tế, không như vẻ bề ngoài cho thấy, mục
tiêu của AFTA không nhằm thúc đẩy hội nhập toàn vùng mà là để đối phó với việc
Trung Quốc mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (IDE). Bởi vì, dù là có
mở cửa đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng các
nước ASEAN e ngại bị lép vế so với Trung Quốc.
Thêm vào đó là bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ : sự ra đời của một
Thị Trường Lớn tại Châu Âu và Thỏa thuận Trao đổi Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Nỗi
e ngại này đã thúc đẩy ASEAN thành lập một thị trường chung để thu hút đầu tư.
Hơn nữa, trong bối cảnh giảm thuế quan trên toàn thế giới, các
nước này đã dỡ bỏ những hàng rào thuế quan, từng gây cản trở cho các trao đổi
giữa các nước ASEAN. Tuy không cản trở được Trung Quốc thu hút nhiều đầu tư
trực tiếp nước ngoài hơn khối ASEAN, nhưng thỏa thuận tự do mậu dịch AFTA cũng
đã góp phần cải thiện sức hấp dẫn của Hiệp hội. Từ năm 2014, ASEAN đã thu hút
được nhiều đầu tư trực tiếp hơn là Trung Quốc.
Khủng hoảng tài chính châu Á, cơ hội cho Trung Quốc chiếm lòng tin
ASEAN
Thế rồi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên 1990.
Các quốc gia ASEAN bị rúng động do cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ quyết định thả
nổi đồng baht Thái Lan vào tháng 7/1997. Đồng tiền Thái giảm giá mạnh đã khơi
ngòi các cuộc tấn công nhắm vào những đồng tiền khác được neo vào đô la Mỹ. Do
các giải pháp can thiệp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đôi khi không phù hợp, đã
không hồi phục được niềm tin, các nước ĐNA đã trải qua một kỳ khủng hoảng mà có
lẽ sẽ còn trầm trọng hơn nếu như Trung Quốc lại hạ giá đồng tiền để cho xuất
khẩu của họ có sức cạnh tranh hơn so với ASEAN.
Bằng cách duy trì giá trị đồng nhân dân tệ bám theo đô la và không
tiến hành phá giá tiền tệ để nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu, Bắc Kinh đã có
một thái độ có trách nhiệm, một thái độ đã làm thay đổi cách nhìn của ASEAN đối
với Trung Quốc. Yên tâm bởi thái độ của Trung Quốc trong suốt cuộc khủng hoảng
châu Á, ASEAN đã đánh giá cao những sáng kiến được đề ra sau đó.
Dựa theo một đề nghị của Nhật Bản, Trung Quốc đã thảo luận các khả
năng thực hiện "Hoán đổi tài chính - Swap" giữa các ngân hàng trung
ương. Tiếp đến Bắc Kinh đề nghị một thỏa thuận tự do mậu dịch đi kèm với các
chương trình « vụ mùa sớm - Early Harvest », gây ra một dòng nhập khẩu ồ ạt các
sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc. Vài năm sau đó, khi tiến hành một kế hoạch hỗ
trợ phục hồi kinh tế để chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu, chính quyền Bắc
Kinh đã hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng này đối với ASEAN.
Sau tập hợp là chia rẽ ?
Sau khi đã góp phần xiết chặt các mối liên hệ kinh tế giữa các
nước ASEAN, Trung Quốc đã chia rẽ giữa các nước này do chính thái độ của Bắc
Kinh trong hồ sơ Biển Đông và bản đồ « đường lưỡi bò chín đoạn » liên quan đến
các yêu sách về lãnh thổ. Lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, lãnh đạo các
nước thành viên đã không có được một lập trường chung trong hồ sơ này.
ASEAN cũng bị chia rẽ về quan hệ với Hoa Kỳ và về Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, một thỏa thuận – được ví như là anh em sinh
đôi của Hiệp định quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương
TAFTA giữa Mỹ và châu Âu – đề xuất một sự hội nhập sâu hơn theo các chuẩn mực
của Hoa Kỳ.
TPP đã được Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam ký kết. Trong
trường hợp Hoa Kỳ phê chuẩn TPP, Philippines và Thái Lan cũng có thể xin gia
nhập. Tuy nhiên, ít có khả năng là thỏa thuận này giúp nâng cao vị trí của Hoa
Kỳ và Trung Quốc trong ngoại thương của ASEAN. Nếu như Quốc Hội Mỹ không phê chuẩn
TPP thì con đường cho Trung Quốc đi vào ASEAN sẽ còn rộng thênh thang hơn.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment