Tập Cận Bình
- hình bóng của Mao
Một người bán sách trên
quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) khoe hình ảnh hai ông Tập Cận Bình và Mao
Trạch Đông, ngày 08/11/2012, trước đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc.REUTERS/Kim
Kyung-Hoon
Vài ngày gần đây, cùng với hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu,
Trung Quốc, Tập Cận Bình được nhắc tới nhiều trên báo chí Pháp. Đây cũng là dịp
Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 40 ngày Mao Trạch Đông qua đời. Hôm nay, trong bài
viết có tiêu đề « Tập Cận Bình, một vị chủ tịch mang hình bóng của Mao », nhật
báo Công Giáo La Croix đã cho thấy Tập Cận Bình đang lãnh đạo Trung Quốc theo
đường lối độc đoán, chuyên quyền của Mao Trạch Đông.
Theo nhận định của La Croix, cho dù Tập Cận Bình không giết người
hàng loạt, không đẩy dân chúng vào nạn đói và không đẩy giới trẻ Trung Quốc vào
một cuộc đấu tranh vì hệ tư tưởng cách mạng như Mao Trach Đông, nhưng ông Tập
giống Mao ở chỗ ông « khóa chặt » cả bộ máy
chính trị Trung Quốc và muốn nắm mọi quyền lực.
Không có quyết định nào của Thường Vụ Trung Ương Đảng là do các ủy
viên thông qua. Tất cả đều là quyết định của Tập Cận Bình. Ông Tập thâu tóm mọi
quyền lực trong tay, giữ mọi chức vụ quan trọng nhất tại đất nước theo chế độ
Cộng Sản : tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, tổng
tư lệnh quân đội, chủ tịch Ủy Ban An Ninh Quốc Gia, chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế
Quốc Gia, ….
Nhật báo La Croix nhận xét : « Cho
dù là chính trị, quân đội, kinh tế, hay xã hội, thì không gì có thể thoát khỏi
tay ông ta ».
Để thể hiện quyền lực, từ năm 2012, Tập Cận Bình đã tiến hành
chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mà nhiều nhà nghiên cứu không công khai
danh tính gọi là « chiến dịch thanh trừng chính trị ».
Môt giáo sư từng giảng dạy tại trường Đại học Trùng Khánh ở miền Tây Nam Trung
Quốc cho biết : « Chúng tôi thường xuyên có cảm giác đang quay
trở lại sống ở giai đoạn hơn 40 năm về trước, dưới thời Mao Trạch Đông, người
đã đưa ra các quyết định điên rồ và tai hại nhưng tất cả mọi người đều phải
theo, không ai dám phản đối một câu ».
Tập Cận Bình còn học theo cách tuyên truyền, lấy lòng dân chúng
của Mao. Ông Tập thể hiện trên các phương tiện truyền thông hình ảnh một vị chủ
tịch nước gần gũi với dân chúng, chẳng hạn như đi ăn sủi cảo, một món ăn dân
dã, tại một quán ăn bình dân ở Bắc Kinh. Và cũng giống như Mao Trạch Đông, hình
ảnh của Tập Cận Bình hiện diện khắp nơi, trên các tấm bưu ảnh, đồ lưu niệm như
cốc, chén, đĩa, kể cả trong viện bảo tàng cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình. La Croix
ví von : « Tập Cận Bình khoác lên người một bộ
quần áo mới của Mao ».
Nhưng theo La Croix, điều ngạc nhiên là ở chỗ Tập Cận Bình không
chỉ thu hút được những người Trung Quốc đã có tuổi, đang hoài niệm về một đất
nước dù nghèo khó, nhưng bình đẳng hơn bây giờ, mà ông Tập còn lấy lòng được rất
nhiều thanh niên đang đấu tranh để tìm việc làm, con của các cặp vợ chồng ly
hôn và cả những người nông dân đang sống ở các đô thị, nhưng lại không hòa nhập
được với lối sống ở các nơi này.
Cũng theo La Croix, nhiều sinh viên tránh nói về ông Tập. Nhiều
thanh niên khác thì phàn nàn : «Trên tivi, chúng tôi nhìn thấy ông
Tập đi đến nhiều nơi trên thế giới, bắt tay và mỉm cười. Trong khi đó, ông ấy
lại không chăm lo đủ cho chúng tôi ở ngay tại Trung Quốc này». Tuy
nhiên, họ lại tự hào vì nhờ ông Tập mà người Trung Quốc được tôn trọng hơn, và
ông Tập khiến họ tự hào được là người Trung Quốc.
Tổng thống Hollande tìm cách khắc phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt
Nam
Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp cũng là đề tài được
nhắc đến trên nhiều nhật báo Pháp.
Trong bài viết «Tổng thống Hollande tìm cách khắc
phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt Nam », nhật báo Le Figaro đã châm
chọc tổng thống Pháp khi cho rằng « Thường
thì trong các chuyến công du nước ngoài, tổng thống François Hollande rất tự
hào về nước Pháp. Các giá trị Pháp, lịch sử Pháp, hình ảnh nước Pháp. Nhưng
hiếm khi là về kinh tế Pháp. Vì nước Pháp trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của
ông Hollande tăng trưởng rất chậm ».
Cũng chính vì thế mà chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Hollande
là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy các nhà đầu tư
Pháp vào Việt Nam phát triển thị trường.
Le Figaro nhận định, với mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2015, Việt
Nam là một trong số các quốc gia năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Cho dù năm 2015, xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam tăng gần gấp đôi,
mức tăng trưởng đạt 85%, nhưng cán cân thương mại giữa hai nước vẫn theo chiều
hướng rất bất lợi cho Pháp, với mức thâm hụt 2,6 tỉ euro.
Trên thực tế, Pháp càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa vì Việt Nam
được hưởng lợi từ liên minh chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. Ngoài các quan hệ
thương mại và đầu tư, Việt Nam cũng có các dự án thỏa thuận về kinh tế đặc biệt
quan trọng với hai cường quốc này. Đó là thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình
Dương với Mỹ và thỏa thuận « Một vành đai, một con đường
» với Trung Quốc.
Để khắc phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt Nam, trong chuyến công du
lần này, tổng thống Hollande đã đưa theo 40 chủ doanh nghiệp sang Việt Nam. Và
Airbus đã thông báo bán được 30 máy bay cho hai hãng hàng không giá rẻ của Việt
Nam là Vietjet và Jetstar Pacific. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã ký
văn bản đề nghị định mua 10 máy bay của Airbus. Hóa đơn tổng cộng là 6.5 tỉ đô
la cho Airbus. Tập đoàn Vincy cũng đã nhận được một hợp đồng phát triển hệ
thống đường cao tốc cho Việt Nam.
G20, thắng lợi của các nhà lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc đã kết thúc,
nhưng hôm nay báo chí Pháp vẫn nhắc đến G20, đặc biệt là về các nguyên thủ quốc
gia. Trong bài viết có tiêu đề « G20, thắng lợi của của các nhà lãnh
đạo độc đoán, chuyên quyền », nhật báo Le Monde nhận định lãnh đạo
các nước Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị phương Tây đánh giá là độc đoán,
chuyên quyền, đã vươn lên tỏa sáng ở hội nghị thượng đỉnh G20. Trong khi đó,
các lãnh đạo phương Tây lại tỏ ra yếu thế.
Le Monde đặc biệt chú ý tới tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong
hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane - Úc năm 2014, chỉ ít lâu sau khi một máy
bay của hãng hàng không quốc gia Malaysia bị nhóm phiến quân thân Nga bắn hạ
khi bay qua vùng trời Ukraina, tổng thống Putin đã bị các đồng nhiệm bị xa
lánh.
Ông đã đột ngột bỏ về trước khi hội nghị kết thúc. Tại hội nghị thượng
đỉnh G20 ở Antalya – Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, tổng thống Nga đã ra khỏi bóng tối.
Nhưng phải đến G20 năm nay ở Trung Quốc thì tổng thống Putin mới thực sự tỏa sáng,
vô cùng ấn tượng. Ông đã trở thành một người đối thoại không thể thiếu của
nhiều nguyên thủ quốc gia.
Nếu cuộc gặp của ông Putin với quốc vương Ả Rập Xê Út Salman ở
Antalya vào năm 2015 tạo ra cảm giác thiếu tin tưởng thì năm nay, tổng thống
Nga đã tìm được tiếng nói chung với hoàng tử Ả Rập Xê Út Mohammed ben Salma.
Hai nước vốn có bất đồng về số phận tổng thống Syria Bachar Al Assad, nay thậm
chí đã ký được một thỏa thuận về khai thác dầu mỏ.
Một điều ngạc nhiên khác đối với Le Monde là tổng thống Nga đã ghi
nhận « sự thành thật » của tổng thống Mỹ Obama
trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Nguyên thủ hai nước Nga và Mỹ đã hội
đàm trong vòng 1g30’, cho dù trước đó, cho tới tận phút chót, hai bên vẫn không
khẳng định được cuộc gặp gỡ này có diễn ra được hay không.
Người Pháp có câu thành ngữ « L’homme
propose, Dieu dispose » (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên). Le
Monde đã chơi chữ khi nói « Les Européens proposent, le
président russe dispose », dịch nôm na là « Mưu
sự tại người châu Âu, thành sự tại tổng thống Nga », đặc biệt trong
cuộc gặp bốn bên Pháp, Đức, Nga và Ukraina để giải quyết vấn đề về Ukraina. Ông
Putin cũng rất tự tin vào bản thân, không vội vàng khi giải quyết cuộc khủng
hoảng ở Syria.
Tại Hàng Châu, tổng thống Nga đã phát ra các tín hiệu cho thấy ông
cũng xoay trục sang châu Á giống như tổng thống Mỹ Obama. Ngay trước khi đến
Hàng Châu dự G20, tổng thống Nga đã làm cho thủ tướng Nhật Shinzo Abe tin vào
khả năng có giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril tại hội nghị thượng
đỉnh kinh tế ở Vladivostok.
Ông Putin cũng đã công khai thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc
trên Biển Đông : Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức diễn tập hải quân chung trên Biển
Đông vào tháng 10/2016. Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20,
tổng thống Nga tuyên bố sự can thiệp của một nước bên ngoài khu vực vào tranh
chấp Biển Đông chỉ gây thêm gây trở ngại cho giải pháp pháp lý của vấn đề.
Phát
biểu này thực chất nhằm vào Washington, và cũng để khẳng định với Bắc Kinh là
Nga ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, vốn
bất lợi cho Trung Quốc.
Trang nhất các báo Pháp
Chú ý tới tình hình châu Âu, Libération chạy tựa trang nhất « Trốn
thuế : hàng ngàn tỉ euro phải được thu hồi », cho biết Liên Hiệp
Châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia
đang lẩn tránh nghĩa vụ thuế khóa. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tình
hình nước Đức với tựa trang nhất : « Đức
chuẩn bị giảm mạnh thuế thu nhập ».
Trong khi đó nhật báo công giáo La Croix quan tâm tới tình hình
quốc tế và chạy tựa trang nhất : « Một thế giới của những bức tường »,
cho biết ngày càng có nhiều hàng rào được dựng lên ở biên giới giữa các nước,
thậm chí ngay trong lòng một số nước, chẳng hạn như Irak. Nhưng không phải mọi
bức tường đều là không thể vượt qua được. Tựa trang nhất của La Croix được minh
họa bằng một bức ảnh một dòng người Palestine đang đi vòng, để tránh bức tường
ngăn biên giới giữa Palestine và Israel.
Nhật báo Le Figaro hôm nay lại quan tâm tới thời sự nước Pháp, cụ
thể là cuộc chạy đua vào Điện Elysée với tựa trang nhất : « Bầu
cử tổng thống : Macron lật đổ Hollande ». Theo một cuộc thăm dò ý
kiến do Le Figaro thực hiện, nếu cả hai đều ra ứng cử thì cựu bộ trưởng kinh tế
Macron sẽ ghi điểm trước ông François Hollande.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment