Bài thơ “Đảng”
của tướng Trần Độ
Posted by adminbasam
on 10/02/2016
Ngọc Thu
9-2-2016
Nhân dịp Đảng CSVN
vừa bước qua sinh nhật lần thứ 86, xin được giới thiệu cùng quý độc giả bài thơ
ĐẢNG của tướng Trần Độ, là một trong những bài thơ cuối cùng của ông Trần Độ.
Bài thơ này chỉ được lưu truyền trong giới quân ngũ, nên có lẽ nhiều người chưa
có dịp đọc.
Về tác giả, tướng
Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh năm 1923 trong một gia đình công chức ở
tỉnh Thái Bình. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940, khi mới 17
tuổi. Ông từng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3, 4, 5, 6,
cũng như từng giữ các chức vụ như Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Phó Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị (1974-1976)… Cấp bậc cao nhất của ông trong Quân đội Nhân
dân VN là trung tướng.
Ông Trần Độ đã từng
kêu gọi ĐCS từ bỏ chế độ độc tài như sau: “Đảng
Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị
trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa
chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật
ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản.
Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ
chức Đảng, trừ bỏ ‘hiệp thương’ mà thực chất là gò ép”.
Hai hồi ký mà ông để
lại là Hồi ký Trần Độ,
được viết từ trong giai đoạn từ năm 1955-1996 và Nhật
Ký Rồng Rắn, được viết vào những năm cuối đời. Trong
cuốn Nhật Ký Rồng Rắn, ông Trần Độ đã nêu những câu hỏi quan trọng: “Cuộc
cách mạng ở Việt Nam, rút cục đã xoá được cái gì, đập tan được cái gì, lập nên
được cái gì, xây dựng được cái gì?”, “Một
Đảng lãnh đạo có dân chủ được không?” và “Bây giờ phải làm gì?”
Cuốn hồi ký này đã không được xuất bản, mà con bị công an tịch thu, nhưng bản
thảo của nó đã được phổ biến trên mạng.
Tướng Trần Độ là
người đã suốt đời theo đảng và là một công thần của chế độ. Khi nhận ra những
sai lầm của đảng, ông đã lên tiếng kêu gọi đảng sửa đổi, thậm chí kêu gọi đảng
thay đổi hệ thống chính trị, nên gần cuối đời, ông đã bị chính cái Đảng này
khai trừ ra khỏi Đảng. Khi ông Trần Độ qua đời, cái đảng này cũng đã không tha
cho ông, họ cử ông Vũ Mạo, đại diện Văn phòng Quốc hội, đến đọc điếu văn kể tội
ông! (xem lại bài của nhà văn Hoàng Tiến ở cuối bài này, tường thuật lại đám
tang của tướng Trần Độ).
Trong bài thơ ĐẢNG
có mấy câu như sau: Đau thắt lòng! Tôi cất tiếng Đảng
ơi!/ Sao lại thế: “Mùa thu Tháng Tám”/ Vinh dự, tự hào: “Đảng viên Cách mạng”/
Ngày qua ngày! Nhục nhã thế này ư?”. Kính mời quý độc giả đọc bài
thơ ĐẢNG của tướng Trần Độ để hiểu thêm nỗi niềm của một vị tướng công thần của
chế độ:
Tôi vào bộ đội, năm mười sáu tuổi
Chia tay gia đình, bố mẹ, các em
Đôi chân cứng, rong ruổi mọi miền
Lửa chiến trang, cháy tuổi xuân năm tháng
Nhớ mãi ngày, khi tôi vào Đảng
Nắm tay thề: “Với Tổ Quốc, Non Sông”.
Bên cây súng đi đến ngày chiến thắng.
Mái tóc xanh, đã chuyển màu bạc trắng.
*
Thân già nua, cùng gối mỏi, chân chùng
Nhưng lương tâm, trí tuệ cứ bồn chồn
Lòng trăn trở, vấn vương, day dứt
Cao hơn hết, tôi ngẫm suy về Đảng
Như người cha, chỗ dựa của lòng tin.
*
Đi theo Đảng, đâu phải Mác – Lê nin?
Mà chính là Tình yêu Tổ Quốc
Đến với Đảng để làm điều nhân đức
Cùng lương tâm, cống hiến cho đời.
*
Nhưng, hôm nay, đầy méo mó, cạn vơi
Thì ắt hẳn, ngày mai tràn cay đắng.
Thời gian trôi, như bóng câu qua cửa
Đảng cứ tàn dần chân lý trong tôi.
*
Đau thắt lòng! Tôi cất tiếng Đảng ơi!
Sao lại thế: “Mùa thu Tháng Tám”
Vinh dự, tự hào: “Đảng viên Cách mạng”
Ngày qua ngày! Nhục nhã thế này ư?
*
Sách mấy ngàn trang, chữ mấy triệu từ
Rao giảng rất hay, việc làm thì nháo
Khi trích Lê nin, “xúc phạm lời Bác”
Nên thực thi, không thuyết phục được nhân tâm.
*
Nhớ ngày xưa, Đảng phải gắn với dân!
Như cá phải rúc, chui vào nước!
Đảng đề cao Nhân dân là trên hết
Nói hộ dân và nghĩ cũng hộ dân.
*
Mọi người dân, tìm chỗ để đặt chân
Đều phải bước them chân của Đảng!
Còn hôm nay, vẫn “vì Dân trong sáng”!
“Quyền lợi nhóm”, giọng lưỡi “Lý Thông”
*
Nhớ tuyên ngôn, buổi đầu Cách mạng
Đảng không tham quyền chức nghênh ngang
Cách mạng thành công, cáo lão về làng
Vui thú điền viên, thung dung câu cá.
*
Hãy nhìn trông, không có ai về cả
Cố bám quyền, giành mũ áo cao sang
Bày đặt ăn chia, tài lộc khang trang
Chẳng dại gì về quê cha đất tổ.
*
Từ huyện, xã, quận, phường, thành phố
Đảng chiếm một bên, Nhà nước một bên
Bí thư thành ủy, Chủ tịch ủy ban
Hai guồng máy, đè đầu dân đau khổ.
*
Đây Sở Ngoại thương, kia Ban Kinh tế
Nội chính bên này, bên nọ Công an
Sống đàng hoàng, bao dinh sở khang trang
Một cổ hai tròng, người dân tội nghiệp
*
Đảng dậy răn: Giữ tấm lòng liêm khiết
Sao đút túi liền những triệu đô la
Tiền nước ngoài họ tranh thủ chúng ta
Người “ăn mảnh” là Tổng bí thư của Đảng!
*
Để mị dân, Đảng tăng cường lao động
Chức vu vơ, trừu tượng “chủ nhân ông”
Làm chủ ngu ngơ, nhà máy ruộng đồng
Đảng nắm chặt tiền và quyền sinh sát.
*
Thân “ngọc ngà” phải về với đất
Đảng chiếm giữ riêng Mai Dịch cho mình.
Rồi cho xây Hoàn Vũ rất môi sinh
Riêng với Đảng, không ai thiêu cả
*
Nơi đô thành, chạy dọc ngang đường phố
Đặt tên đường, Đảng giành giật phần mình.
Đây đường Lê Duẩn, kia đường Trường Chinh
Đường to đẹp Đảng giành phần dự trữ
*
Các tỉnh huyện, ổn định cùng lịch sử
Đảng hội vài ba điểm vào nhau
Cuộc “đoàn viên” chưa “ân ái” bao lâu
Rồi vẫn Đảng truyền ra lệnh tách.
Quá tùy tiện, Đảng làm theo sở thích
“Khắc khắc, nhập nhập” như trò chơi
Cuối cùng chỉ khổ sở Dân thôi
Còn ý Đảng, vẫn luôn luôn là đúng.
*
Ghế Đảng trị, quyết giữ cho bằng được
Đảng khóa xiềng vào Dân chủ, Tự do
Từ miền quê cho tới thành đô
Cấm ngôn luận, cấm tự do báo chí.
*
Đảng chúa ghét các nhà nghệ sĩ
Nhàn cư ngồi thóc mách lăng nhăng
Ai dũng cảm, đòi hỏi lẽ công bằng
Đảng biến tướng, “chính chuyên” bằng nhiều cách.
*
Về bàu cử Đảng tạo khuôn bằng sắt
Rất “tự do”, rất “dân chủ, khách quan”
Nhân danh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Duyệt danh sách, đưa người ra ứng cử.
*
Thế là “nguyên khí hiền tài” xứ sở
Đảng loại bỏ đi, rất “khéo”, rất “tình”.
Các đại biểu đều đồng chí của mình
Chẳng ai dám chỉ danh, xung khắc.
*
Quốc hội diễn trò, điều trần vấn đáp
Như chuyện xưa “Bài thơ Con cóc”
“Con cóc nhảy ra, con cóc nhảy vô”
Bầy cơ hội, cùng ra sức điểm tô!
*
Sáng đúng chiều sai, mai lại đúng!
Chống chân lý bằng lưỡi lê họng súng.
Đảng trượt theo vết xe đổ ngày xưa
Chuyện nghĩa tình chỉ “sớm nắng chiều mưa”.
Từ “Đồng chí” là mỹ từ vô nghĩa!
Đảng thấu không, dòng đời đang mai mỉa
Đảng lộng hành, đạp Dân Chủ dưới chân.
*
Nhớ một thời Đảng chiến đấu vì Dân.
Dân tộc đã nghiêng mình kính trọng.
Rồi gặp được khi như diều bay bổng
Đảng ngất ngây trong tiếng ngợi ca.
Hàng trăm tờ báo, vài triệu cái loa
Điệp khúc, điệp ca: Công ơn của Đảng.
*
Đảng say mê, dối lừa không nhàm chán
Xóa sao được, những tội lỗi gây nên!
Đạo lý Việt Nam “máu chảy ruột mềm”
Cải cách địa điền, người, cửa nhà tan tác
Dù Đảng đã chia vài ba miếng đất
Suốt mấy năm nghèo vẫn hoàn nghèo.
*
Nhóm “Nhân Văn” hỏi tội đáng bao nhiêu?
Đảng đày đọa bao cuộc đời chí sỹ.
Bao trí thức bắt giam thời chống Mỹ
Gán ghép “chống Đảng” tội tày trời
Lửa chiến tranh dẫu đã tắt lâu rồi
Sao ác tâm, cảnh nồi da nấu thịt!!!
*
Hai đảng bạn, đồng hành bao thân thiết
Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ Việt Nam
Vai sát kề vai, suốt mấy chục năm
Gắn bó thế! Hà cớ chi loại bỏ?!
“Chanh kiệt nước rồi, vứt luôn cái vỏ”
Bạn bè thủy chung, sao nỡ phản thùng!?
Nỗi đoạn trường càng lộn xộn lung tung
Sợ hậu họa, Đảng xuống tay, chấm hết….
*
Đêm đã khuya, trước khi dừng bút
Xin dùng câu của Gớt tặng cho đời
“Lý luận nào, rồi cũng xám bạn ơi,
Còn cây đời, vẫn xanh tươi mãi mãi”.
Xin được xếp vần thơ, dừng lại
Vài dòng chân, tôi gửi tặng cho đời
Thơ của tôi như tia nắng ban mai
Cộm mắt ai, nhưng không hề độc hại.
*
Ta biết ơn, khi Đảng còn vĩ đại
Còn hôm nay, cuộc đổi chác bán mua
Đừng biến mình thàng những chúa những vua
Mà thống trị dân đen, như thuở trước.
Đảng ngụy ngôn: “Có công giành Độc Lập”
Chức, Quyền, Tiền dân đã trả Đảng rồi
Nơi cung đình, đâu phải chợ trời
Dân hết nợ, Đảng cứ ngồi, cứ hưởng
Để trần gian, lại công hầu khanh tướng
Đảng một bên, Dân chịu nhục một bên.
*
Những luận cứu: Các Mác và Lê nin
Giờ xa lạ với Con Hồng Cháu Lạc!
So với Đảng, có súng bom bạo lực
Vần thơ tôi là vẫn điệu lương tâm
Tố Như ơi! Tôi sẽ đợi trăm năm
Rồi chân lý sáng ngời vào lịch sử!
*
Đảng của ngày xưa, Đảng là bất tử
Còn tương lai!? Phút mặc niệm, bắt đầu!
____
Tiếng vỗ tay trong một đám tang
Tháng 8-2002
Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng
quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5
Trần Thánh Tông.
Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ
nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức
quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công
an gây nhiều phiền hà.
Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là
nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?
Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm.
Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên
trên tivi mới đọc tin tang lễ.
Cô vẫn mặc áo màu
hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người
các tỉnh xa, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông
không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.
Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người
yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc
thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan
đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ
Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.
Các vòng hoa đề chữ
Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ
Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ
giải thích: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”(!)
Vòng hoa của đại
tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ –
Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề
nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương
tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp
viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co
lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống
thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như
nguyên vẹn lời viếng.
Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi
là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.
Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều
xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải
phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ
thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?
Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ
phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung
tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn
thổi ngược!
Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng
chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông
Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã
lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô
với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng
trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là
ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.
Trung tướng Nguyễn
Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.
Vòng hoa của anh em
dân chủ Hải Phòng đề là “Vô cùng kính phục và thương nhớ bác Trần Độ. Các bạn
đồng hành ở Hải Phòng” phải sửa thành “Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng
hành ở Hải Phòng”. Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề “Kính
viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận” bị giữ lại. Tranh cãi hồi
lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí,
lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa
được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.
Những vòng hoa mẫu
mực có băng chữ ghi phải là “Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần
Độ”, “Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của Văn
phòng Quốc hội kính viếng ông Trần Độ ..v..v.. Không thấy vòng hoa của ông Nông
Đức Mạnh.
Chúng tôi để ý thấy
nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh
tuớng ..v..v… không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong
đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy
treo lên, thêu tám chữ vàng “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”. Bên
dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông
Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang ..vv…, hơn hai
mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di
động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi việc vẫn êm trôi. Tịch thu
bức trướng trưởng đoàn là cụ Lê Giản thì cũng phiền đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ
đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.
Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký
sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng
cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này
tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên
cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:
Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân.
(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai sinh là Tạ
Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).
Bức trướng của nhà
thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh
Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:
Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.
(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy
lần vùi dập.
Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình
dân).
Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ
Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực
hiện:
Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song
trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng nhất
đan tâm.
(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần
là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng.
Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miềnNam. Đây nhắc đến
việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có
thể tạm dịch là:
Văn võ dọc ngang,
ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm
lớn;
Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một
gậy trường sơn một trái tim hồng).
Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ
đại tự “Vị dân tâm” (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những câu thơ chữ
Hán ca ngợi tướng quân Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp
Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:
Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu
(Nghĩa là : Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây
giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi
trượng phu).
Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà,
không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai
lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ.
Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá thể! Gia đình người ta đang tang gia bối
rối. Thật nhẫn tâm!
12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu. Giới thiệu vị đại diện Văn
phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê
quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã
đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những
lỗi lầm nghiêm trọng… Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi.
Không khí như nén lại, ngột ngạt.
Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh
Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ,
các ông, bà, chú, bác, các anh chị… đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp
từ là câu: “Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị
đại diện Văn phòng Quốc hội” (Chưa bao giờ lại có chuyện như vậy, tang gia
khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).
Như một kho thuốc nổ
được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng
vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên
tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội
trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến
lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!,
bất nhân!… lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.
Những uẩn ức trong
lòng mọi người bị dồn nén từ sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên
chiếc ghế, đưa tay lên vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to, giọng
như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang
ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: “Ai
cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng
thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc …”.
– Thật là bọn ăn cháo đá bát.
– Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có
chúng nó ngày nay.
– Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết
trước linh cữu cả.
– Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ.
– Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân dân.
– Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.
Nơi này, chỗ kia, ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn
phản nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính
Trị phải nghiêm trị!
Có ai nói khẽ: “Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị”.
Tiếng quát to: “Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều
ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng”.
Có ai đó lại hô lên: “Trần Độ muôn năm!”.
Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng
nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi:
“Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?”.
“Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!” Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta
đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. Có ai giục, hắn như chợt tỉnh, vội
lách ra phía sau, chuồn mất.
Cũng may cho đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo
trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy
ra.
Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ
quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi
dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công
an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai
lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách
mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên
can, chứ không có thái độ quá khích nào cả.
Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang
lễ lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành một con đường để
đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã
đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!
Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm
mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.
Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi
chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe
máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? Tôi trả
lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô
tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng
túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu
mở cửa cho các cụ lên (đều do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn
quyết định thuê tắc-xi đi.
Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng
quát: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết”. Nhà báo đại tá
chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: “Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!”.
Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều
xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết.
Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc
hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!
Dự hỏa táng xong,
trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra
về, người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy sức
ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.
Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón
từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa
nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được
miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về
đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm.
Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.
Vài lời kết thúc:
Sáng sớm hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam
Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình trọn nghĩa. Công an
mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.
Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang
lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Chúng
tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.
Quả không sai, quãng
đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát
giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được
yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300
chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm
vụ, mong các cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ
đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều, tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất
hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ.
Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.
Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ
ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi
về.
Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công
an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng,
không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người
đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay cũng không đậm đà bắt chuyện,
muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn
huyệt. Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn
dài.
Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các
băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn
sổ tang, một số trang bị xé rách.
Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!
Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện
của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn
cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ
ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây thì yên ổn rồi, ấm
lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn
thơ của ai đó:
Sống tranh luồn cúi vào ra,
Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to
Phải là những bậc anh hào,
Sống thiêng – chết lại đi vào trong dân,
Mà to bia nhớn chẳng cần…
Những ngày tang lễ ông Trần Độ
Hà Nội, tháng 8-2002
Nơi gửi:
– Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
– Các cơ quan thông tấn, báo chí.
– Các bè bạn.
Hoàng Tiến, nhà văn
Địa chỉ : Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.
____
Đọc lại một bài viết 10
năm trước – “Tiếng vỗ tay trong một đám tang”
15-8-2012
Hôm nay đọc một bài
viết cũ trên mạng về đám tang cụ Trần Độ, tôi chợt nhớ đến cuộc gặp gỡ với cô
con dâu út của cụ cách đây hơn tháng. Chúng tôi quen nhau thật tình cờ, qua một
lá thư của Khánh Trâm gửi Bùi Hằng trên blog Xuân Diện. Hóa ra chúng tôi bằng tuổi
nhau. Hai con “chuột” chênh nhau có vài tháng, cùng thuộc diện “cởi mở”, lại
khá đồng quan điểm nên rất dễ làm quen với nhau.
Mấy tháng
trước, Khánh Trâm nói có việc ra Hà Nội, muốn hẹn gặp tôi và Xuân Diện. Tôi nửa
mừng nửa tò mò, không biết cô con dâu của vị tướng lừng danh ấy như thế nào.
Tôi vốn tự ti, rất sợ kiểu thấy sang bắt quàng làm họ.
Trước hôm chúng tôi
hẹn gặp nhau thì trong điện thoại của tôi có một tin nhắn từ một số lạ, hỏi
thăm về cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Thái độ của người nhắn không có ý gì với
tôi, nhưng lại tỏ ra thiếu thiện cảm về việc Khánh Trâm đem phát hành một cuốn
sách gì đó…Tôi rất ngạc nhiên vì có người lạ lại biết và quan tâm đến việc
chúng tôi hẹn gặp nhau, biết việc Khánh Trâm đang làm trong khi chính tôi lại
không biết gì. Tôi có hỏi lại Khánh Trâm chuyện đó là sao? Nếu không tiện gặp
thì thôi cũng được.
Khánh Trâm cũng thấy
bất ngờ, nhưng quả quyết rằng cô ấy chẳng làm điều gì khuất tất nên chẳng có gì
phải sợ cả. Tôi rất vui khi nghe thấy cô ấy nói vậy. Nhưng không muốn bị quấy
rầy một cách bất đắc dĩ, tôi hẹn Khánh Trâm lúc nào đi sẽ báo địa điểm sau. Hi
hi! Tự dưng tôi bỗng thấy hồi hộp như mình đang làm một điều gì đó bí mật lắm.
Đúng là tôi không
phải dân hay la cà quán xá nên quá ngô nghê, cái địa điểm mà tôi thông báo với
Khánh Trâm đã thay đổi từ cái đời tám hoánh nào rồi. May mà tôi đến sớm hơn một
chút, thấy Xuân Diện đang nhăn nhó đứng đợi bên cạnh một cái cửa hàng lạ hoắc
thay vì cái quán cafe cũ, tôi nhắn cho Khánh Trâm địa điểm mới rồi cả hai chị
em tôi phóng vội xe ra đó. Đến gần quán mới thì Xuân Diện chỉ một người ngồi
sau chiếc xe máy phía trước bảo: áo vàng kia rồi!
Chả là khi thấy tôi
báo thay đổi địa điểm, Khánh Trâm nhắn cô ấy mặc áo mầu vàng để còn dễ nhận
diện. Tôi thử gọi:
– Khánh Trâm?
Quả nhiên là đúng.
Hóa ra chồng Khánh Trâm đèo cô ấy đến. Chỉ một mình Khánh Trâm vào quán với
chúng tôi. Cả ba chúng tôi cười rinh rích với nhau khi đã yên vị trong quán,
bảo cứ như đi hoạt động cách mệnh vậy. Mặc dù đây là lần đầu gặp nhau, nhưng chúng
tôi cảm thấy rất thoải mái và thân thiện.
Khánh Trâm đưa tặng
cho Xuân Diện và tôi mỗi người một bộ sách gồm ba cuốn, do nhà xuất bản hội nhà
văn in các tác phẩm của cụ Trần Độ, lúc đó tôi mới hiểu cái ý của người nhắn
tin lạ mặt kia. Ồ! Thế mà cứ tưởng cái gì nghiêm trọng lắm, cứ như đây là một tài
liệu mật không bằng. Khánh Trâm giải thích, tất cả những bài viết trong bộ sách
này đều đã được xuất bản trước đó trên các sách báo “nhà nước”, Giờ gia đình
chỉ tập hợp lại và in thành một tuyển tập riêng, có vậy thôi.
Chúng tôi ngồi trò chuyện không dứt, cảm thấy khá hợp nhau về
mọi quan điểm sống. Thực ra tôi biết rất ít về cụ Trần Độ, chỉ được nghe danh
cụ là một vị tướng rất tài giỏi. Những truyện xảy ra trong đám tang cụ ngày ấy
tôi cũng chỉ biết mang máng, vì ngày đó tôi vẫn còn hết sức u mê. chả biết tý
gì về mạng “lề dân” cả. Giờ đọc lại bài viết về đám tang của cụ thấy xúc động
vô cùng, khi tưởng tượng ra những tràng vỗ tay như sấm rền của những con người
dũng cảm đầy nghĩa khí, đã không hề run sợ trước sự đe dọa ngấm ngầm hay công khai
của nhà cầm quyền từ hàng chục năm trước đây để đến viếng cụ Trần Độ.
Nói vậy lại nhớ
những hôm trước, khi xem cái clip mấy kẻ lạ mặt ngang nhiên đến lôi xềnh xệch
những người đang ngồi thiền ở vườn hoa Lê Nin, một người than: sợ người đi bộ
chưa đủ, bây giờ lại sợ cả những người ngồi im nữa thì hết thuốc chữa rồi. Tôi nghĩ
nào đã hết, còn sợ cả người đã mất kia kìa. Suốt từ hôm nghe tin những người
đến dự đám tang bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu ở Bạc Liêu bị ngăn cản, đe dọa,
tôi cứ phẫn nộ mãi mà không thể lý giải nổi.
Nghĩa tử là nghĩa tận,
chỉ có những kẻ táng tận lương tâm mới ngăn cản chuyện người ta sống theo đạo
lý đó.
____
Mời đọc lại: Bài viết của GS Tương Lai về tướng Trần Độ: NGHĨ
VỀ HIỆN TƯỢNG TRẦN ĐỘ (BS). – Hà Sĩ Phu – Hồi tưởng nhân kỷ
niệm 11 năm ngày mất của lão tướng Trần Độ: Hùng
binh nhất trượng… (BoxitVN). – Tướng
Trần Độ ‘trung thành với dân’ (BBC).
__._,_.___
No comments:
Post a Comment