xx

Tuesday, 22 March 2016

THAY ĐỔI 3 CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT CỦA NHÀ NƯỚC TRƯỚC NHIỆM KỲ LÀ TRÁI HIẾN PHÁP!


Nguyễn Đăng Quang
21-3-2016
Sáng 21/3/2016, Quốc hội Khoá XIII khai mạc kỳ họp thứ 11. Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII. Dự kiến kỳ họp này sẽ diễn ra trong 19 ngày làm việc, chiều ngày 12/4 sẽ bế mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành ra hơn nửa quỹ thời gian (10 ngày rưỡi) để bàn bạc và quyết định nghị sự quan trọng nhất là “kiện toàn” bộ máy nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Trước đó, theo thông tin từ Hội nghị Trung ương lần 2 Khoá XII ĐCSVN và Phiên họp thứ 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội Khoá XIII, thì tại kỳ họp cuối cùng này – kỳ họp thứ 11, từ ngày 21/3 đến 12/4/2016  – Quốc hội Khoá XIII sẽ tiến hành bầu mới 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. 

Nếu chương trình nghị sự trên được tiến hành xuôn xẻ như dự kiến, thì đây là kỳ họp mà  Quốc hội sẽ phải thực thi một mệnh lệnh bất thường, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành lập pháp nước ta! Đã 70 năm từ khi nước ta có Quốc hội, chưa khi nào, kể cả trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, biết bao công việc bộn bề, mà Quốc Hội đâu phải tiến hành một việc bất thường như vậy! Hoà bình đã lập lại 41 năm rồi, đất nước đang thanh bình, ổn định, tình hình có cấp thiết gì đâu mà phải tiến hành một sự việc bất bình thường, rất khẩn trương như trong thời chiến vậy, làm cho người dân Việt Nam và giới quan sát quốc tế thắc mắc, không thể không nghi ngờ!

Điều 87 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Chủ tịch nước”.  Như vậy, nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang, đương kim Chủ tịch nước, sẽ theo nhiệm kỳ của Quốc hội Khoá XIII, tức cho đến khi Quốc hội khoá XIII kết thúc ngày 22/5/2016, và sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ đến khi Quốc hội Khoá XIV triệu tập kỳ họp đầu tiên (dự kiến vào trung tuần tháng 7/2016). Theo quy định của Hiến pháp và cũng là thông lệ của Quốc hội, tại mỗi kỳ họp đầu tiên, Quốc hội mới sẽ bầu chọn ê-kíp lãnh đạo Nhà nước mới với nhiệm kỳ 5 năm, trong đó có 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt là: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Do đó, chiểu theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiếp tục đảm nhiệm trọng trách nguyên thủ quốc gia ít nhất là cho đến trung tuần tháng 7/2016, tức là khoảng gần 4 tháng nữa! Cũng như vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng và nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tự động kết thúc vào trung tuần tháng 7/2016!

Như trên đã nói, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội mới thay cho đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sau đó Chủ tịch Quốc hội mới sẽ điều hành Quốc hội cũ (Khoá XIII) bầu ra Chủ tịch nước mới thay thế đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau đó, theo đề cử của Chủ tịch nước mới, Quốc hội cũ sẽ bầu Thủ tướng mới thay cho Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. Và đến trung tuần tháng 7/2016, Quốc hội mới (Quốc hội Khoá XIV) sẽ triệu tập kỳ họp thứ nhất. 

Tại kỳ họp này, chu kỳ trên lại được lặp lại một lần nữa để bầu ra 3 chức danh cao nhất của Nhà nước theo nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội Khoá XIV!  Xem ra việc thay đổi sớm 3 chức danh trên, đằng sau nó có thể ẩn chứa một động cơ gì đó không trong sáng! Không chỉ các nhà quan sát mà nhiều Đại biểu Quốc hội Khoá XIII cũng đoán biết được ý đồ thực sự của việc làm vội vàng và bất thường này là gì! 

 Phải chăng, khi không còn là Uỷ viên BCT nữa thì các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng không xứng đáng đảm đương chức vụ của mình thêm một ngày nào nữa? Tôi không nghĩ như vậy. Không nói đâu xa, chỉ xin nhắc lại trường hợp ông Nguyễn Minh Triết, người tiền nhiệm của ông Trương Tấn Sang. Ông Triết làm Chủ tịch nước trọn một nhiệm kỳ (từ 27/6/2006 đến 25/7/2011). Từ ngày 19/1/2011, ở tuổi 69, ông Triết nghỉ, không tham gia BCHTW và BCT Khoá XI nữa, nhưng không vì thế mà ông Triết phải thôi làm Chủ tịch nước sớm. Ông Triết tiếp tục đảm trách vị trí này cho đến hết nhiệm kỳ như luật định. Ngày 25/7/2011, Quốc hội mới (Quốc hội Khoá XIII) bầu ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước. Và đúng ngày 25/7/2011, ông Triết bàn giao chức Chủ tịch nước cho ông Sang! Như vậy ông Triết có đúng 6 tháng 6 ngày giữ chức Chủ tịch nước khi không còn là Uỷ viên BCT, chỉ là đảng viên thôi!  Nay, nếu ông Trương Tấn Sang ở lại ghế Chủ tịch nước cho đến hết nhiệm kỳ như Điều 87 Hiến pháp quy định thì “thời gian giữ chức CTN khi không phải là Uỷ viên BCT” của ông Trương Tấn Sang cũng không lâu hơn người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết 5 năm về trước!                                  
Xin trở lại với chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII đang diễn ra. Theo dự kiến, từ ngày 31/3/2016, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành bầu cử (thực chất là miễn nhiệm) 3 chức danh là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trước thời hạn. Trong quá trình xúc tiến việc miễn nhiệm tại  kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội, có thể diễn ra 1 hoặc cả 3 kịch bản sau đây:

Kịch bản 1: Từ nhiệm: Cho đến ngày hôm nay, 21/3/2016, cả 3 ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng đều chưa có ai công bố và gửi đơn xin từ nhiệm đến Cơ quan có trách nhiệm là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, tuyệt nhiên không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để thực hiện việc bầu mới thay thế một hoặc cả 3 vị trí trên trước thời hạn, vì việc này trái với quy định tại Điều 87 Hiến pháp hiện hành!  

Kịch bản 2: Miễn nhiệm:  Từ trước cho đến nay chưa khi nào Quốc hội trong một kỳ họp lại xúc tiến việc miễn nhiệm đồng loạt một lúc 3 chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước cả!  Nếu Quốc hội muốn thực hiện  điều này thì phải dựa trên cơ sở thực tế, chẳng hạn như cả 3 ông giữ chức vụ trên đều không đủ trí tuệ, năng lực để thực thi trọng trách, hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh tâm thần đột xuất hoặc tai nạn bất ngờ,v.v…Do đó, họ không đủ điều kiện sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Nếu kịch bản này xảy ra, tôi tin các Đại biểu Quốc hội sẽ không chấp nhận, và sẽ biểu quyết bác bỏ (không phê chuẩn) vì đây sẽ là một tiền lệ không hay cho ngành lập pháp nước nhà!
Kịch bản 3: Bãi nhiệm:  Kịch bản này lại càng không thể, vì cả 3 ông Chủ tịch nước,Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã và đang đảm nhiệm trọng trách của họ một cách “tốt nhất có thể”. Đến nay chưa có vị nào bị Quốc hội quở trách hay hạch tội vì hành vi tham nhũng, vi phạm đạo đức hay pháp luật, sao nhãng nhiệm vụ hoặc bất tuân mệnh lệnh của Đảng. Do vậy, việc bãi miễn là không thể. Do đó, kịch bản này chỉ là giả thiết, không thể  xảy ra được!
Như vậy chỉ có Kịch bản 1 là hiện thực nhất. Do vì không có ai xin từ nhiệm nên có thể dẫn đến 3 tình huống sau:  
1/. Ông Nguyễn Sinh Hùng, với tư cách Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII, sẽ điều hành Quốc hội không bầu Chủ tịch Quốc hội mới và không đề nghị bầu lại Chủ tịch nước. Hai chức vụ này sẽ do Quốc hội mới (Quốc hội Khoá XIV) bầu trong kỳ họp đầu tiên vào trung tuần tháng 7/2016 tới.
2/. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không từ nhiệm và cũng không chấp nhận bị miễm nhiệm, sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ trong cương vị Chủ tịch nước cho đến hết nhiệm kỳ theo đúng quy định tại Điều 87 Hiến pháp 2013, đồng thời cũng sẽ không đề cử nhân sự cho chức vụ Thủ tướng mới!
3/. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kiên quyết không từ nhiệm và cũng không chấp nhận bị miễn nhiệm, tuyên bố sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ tiếp tục nhiệm vụ của Thủ tướng và của Chính phủ cho đến hết nhiệm kỳ đúng theo luật định.
Có lẽ, chỉ cần 1 trong 3 kịch bản nói trên diễn ra và cũng chỉ cần 1 trong 3 tình huống trên xuất hiện thì cũng đủ làm cho kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII lần này trở thành một kỳ họp khó quên, một cuộc đấu pháp lý hấp dẫn, vô tiền khoáng hậu, sẽ để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử lập pháp nước nhà!    

Nếu kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII tiến hành miễn nhiệm 3 ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng trong các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trong khi cả 3 ông không có đơn từ nhiệm và không bị bãi nhiệm, thì đây là một việc hy hữu, chưa có tiền lệ ở Quốc hội nước ta từ trước đến nay, và đặc biệt việc làm này có thể là vi phạm Hiến pháp! Không thể viện dẫn Điều 8 và Điều 11 Luật Tổchức Quốc hội 2014 để biện bạch cho việc cùng một lúc miễn nhiệm trước thời hạn 3 chức danh chủ chốt của Nhà nước được. 

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 là bộ luật dưới Hiến pháp, có giá trị thấp hơn Hiến pháp. Trong trường hợp này phải áp dụng Hiến pháp chứ không thể là Luật Tổ chức Quốc hội 2014 hoặc một bộ luật nào khác. Do đó việc miễn nhiệm 3 chức vụ chủ chốt của Nhà nước trong kỳ họp 11 Quốc hội Khoá XIII này là một việc làm – xét theo cả lý và tình – rất không nên, có phần vội vàng, bất cập, và nếu không dừng lại, cứ xúc tiến thực hiện sẽ là việc làm trái với Hiến pháp!  Rất tiếc là nước ta đến nay chưa có Toà án Hiến pháp, mặc dù đã từ lâu có rất nhiều đề xuất và kiến nghị nêu ra là phải thành lập!

Ngoài ra, một khả năng có thể xảy ra:  Nếu việc miễn nhiệm 3 chức danh lần này diễn ra được thuận lợi, mát chèo xuôi mái, mọi việc đâu vào đấy, tốt đẹp như mong muốn, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc hội Khoá XIV vào ngày 22/5/2016 tới đây mà có một trong 3 vị vừa được bầu vào chức vụ Tam trụ chẳng may lại không trúng cử Đại biểu Quốc hội, thì lạy bác, Đảng ta sẽ xử lý sao đây? 

Đây chỉ là một khả năng rất nhỏ, xác xuất cực thấp, và chẳng mấy ai tin là sẽ có điều này , song khả năng là khả năng, nó có thể xảy ra hoặc không xảy ra, nhưng ta cũng nên lường trước việc có thể xảy đến để suy xét việc ta đang làm sao cho kín kẽ và phải lẽ! 

Người viết bài này muốn đưa ra một số giả thiết cho sự kiện này và dự đoán những diễn biến sắp tới, song ngại sẽ đụng chạm đến nhiều người, nên xin được dừng ở đây. Mong độc giả có những suy đoán của riêng mình và chờ đón tình hình tốt đẹp sẽ đến trong tương lai!
Hà Nội, ngày 21/3/2016
__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

My Blog List